Giấy phép lái xe và 5 điểm cần biết

Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe hơi, xe tải, xe buýt, xe khách hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.

Các loại bằng lái xe hiện nay nhìn chung đều cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, và một kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt với các thủ tục. Nên giấy phép lái xe có những đặc điểm riêng của nó.

dsc-1815-1679196567.JPG
 

Thứ nhất: các trung tâm, cơ sở, hay trường đào tạo - dạy lái xe cơ giới đường bộ Dân sự, hoặc kể cả Công an, đều không được cấp giấy phép lái xe (GPLX); mà chỉ được cấp giấy chứng nhận đã học lái xe cho các học viên tốt nghiệp.

Đơn cử năm 1995, tôi là sỹ quan Công an đi học lái xe ô tô trong trường đại học Cảnh sát Nhân dân, chỉ được cấp “giấy chứng nhận học lái xe ô tô”. Sau đó tôi phải dự thi, sát hạch - cấp GPLX, do Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) tổ chức, thực hiện (cấp GPLX).

Điều này đồng nghĩa với các trung tâm, cơ sở, trường đào tạo lái xe hoàn toàn độc lập với cơ quan tổ chức thi sát hạch - cấp GPLX (gọi vắn tắt là trung tâm sát hạch lái xe). Như vậy các “trung tâm đào tạo lái xe” với “các trung tâm sát hạch lái xe” là khác nhau.

Ở nước ta hiện nay đang ô tô hoá theo quy luật tất yếu khách quan, “nhà nhà có xe ô tô, người người có xe ô tô”. Thế nên các trung tâm đào tạo lái xe đã được phát triển xã hội hoá đến mức in chữ quảng cáo “chiêu sinh” đào tạo lái xe ô tô B1, B2… trên khá nhiều xe ô tô lưu hành cơ động. Chứ không phải độc quyền chỉ có ở ngành Giao thông vận tải (GTVT) hay lực lượng Công an.

Nhưng các trung tâm sát hạch lái xe vẫn thuộc cơ quan chức năng ngành GTVT (cấp GPLX Dân sự) và lực lượng Cảnh sát Giao thông (cấp GPLX Công an).

Thứ hai: Đối với những người có GPLX ô tô hạng B2 vẫn được đổi - gia hạn GPLX “vô tư”, nếu đủ sức khoẻ lái xe ô tô (hạng B2). Thí dụ ông A sinh năm 1948, có GPLX ô tô (B2) tháng 11/2022 đã được đổi - gia hạn đến tháng 11/2032. Như vậy đến năm ấy, ông A đã 84 tuổi (vẫn được phép lái xe ô tô hạng B2).

dsc-1813-1679196890.JPG
 

Thứ ba: Các bệnh viện, cơ quan Y tế có tư cách pháp nhân khám sức khoẻ đối với người lái xe đã thực hiện nghiêm minh hơn trước rất nhiều. Tránh tình trạng bỏ tiền ra mua được giấy khám sức khoẻ lái xe.

Thứ tư: Người có GPLX ô tô, nếu có nhu cầu điều khiển xe mô tô 2 bánh trên đường giao thông công cộng, vẫn phải học và thi, sát hạch - cấp GPLX (mô tô 2 bánh). Nhân đây tôi nhớ lại chuyện năm xưa, khi tôi đi làm giám khảo sát hạch - cấp GPLX mô tô 2 bánh, đã chứng kiến 1 người hành nghề lái xe ô tô khách hạng E, nhưng lại thi trượt - không được cấp GPLX mô tô 2 bánh (hạng A1).

Thứ năm: GPLX hiện nay đã có mã QR, để chống làm GPLX giả, nhằm góp phần nâng cao trật tự an toàn giao thông. Mục tiêu cuối cùng của GPLX là bảo đảm an toàn cho con người khi tham gia giao thông./.

Nguyễn Thành Lập