Giáo xứ làng Nồi dựng cây thông Noel làm từ hàng trăm lốp xe

Dịp lễ Noel năm nay, bà con giáo dân giáo xứ Lưu Mỹ thuộc xã Trù Sơn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã dựng cây thông Noel được làm từ những chiếc lốp xe, mang thông điệp nhắc nhở cùng nhau chia sẻ với những đồng bào từ miền Nam trờ về vì đại dịch Covid-19.
ndao-8701-1640068667.JPG
Những chiếc lốp xe cũ được biến hóa, sắp xếp để làm cây thông

Thời điểm nhiều người dân xứ Nghệ từ miền Nam trở về vì ảnh hưởng của đại dịch, nhà thờ của Giáo xứ Lưu Mỹ từng chính là địa điểm đón hàng trăm người, phục vụ cho công tác cách ly. Trù Sơn là xã có diện tích lớn hàng đầu của huyện Đô Lương, nên số lượng người dân rời quê hương vào Nam lập nghiệp là rất đông. Dịp lễ Noel năm nay, Giáo xứ Lưu Mỹ đã quyết định dựng lên một cây thông được làm từ những lốp xe có chiều cao 19m, chiều ngang có đường kính lớn nhất 7m và phải mất khoảng 1 tháng để bà con giáo dân hoàn thành. Theo thầy Phó tế Nguyễn Văn Công, khi thực hiện làm cây thông, hạng mục khó nhất chính là bộ khung của cây. Những người thực hiện đã phải mất 3 tuần để làm xong khung cây, trong khi đó, công tác hoàn thiện trang trí bằng lốp xe chỉ mất trong vài ngày là đã ghép xong.

Ngoài cây thông làm bằng những lốp xe thì trước đó, Giáo xứ Lưu Mỹ còn sở hữu cây thông Noel làm từ 6000 nồi đất. Nói đến xã Trù Sơn, người dân khắp tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đều biết đến đây là làng nghề chuyên làm ra những nồi đất truyền thống. Bởi vậy, ý tưởng thực hiện cây thông Nồi đất của giáo xứ Lưu Mỹ chính là để quảng bá nhằm bảo tồn lâu dài "biểu tượng của làng nồi".

ndao-8705-1640069188.JPG
Cây thông Noel được làm từ những chiếc lốp xe

Tuy nhiên, hiện tại cây thông nồi đất từng được ghi danh vào Kỷ lục Việt Nam đã được thay đổi diện tích và di chuyển sang một địa điểm mới. Theo Thầy Phó tế Nguyễn Văn Công thì do chiêu cao của cây thông nồi đất quá cao, khó lòng trụ vững bởi tác động của thời tiết nên họ phải cắt ngắn và di dời qua một vị trí mới an toàn hơn. Tuy nhiên, dù chiều cao được cắt ngắn nhưng vẻ đẹp của cây thông nồi đất không hề thay đổi, vẫn tạo ra được sự chú ý đặc biệt mà mỗi lần du khách đến thăm đều tỏ ra thích thú không kém phần. Đây sẽ mãi được xem là biểu tượng của Giáo xứ Lưu Mỹ và Làng nghề Trù Sơn.

Ngoài cây thông Noel làm từ lốp xe và cây thông mang tính biểu tượng Nồi đất, thì bà con giáo dân Lưu Mỹ còn dựng lại hình ảnh về một đoàn xe khắc họa chân thực nỗi vất vả của những người dân từ miền Nam trở về. Theo Thầy Phó tế Nguyễn Văn Công, việc lấy những lốp xe làm hình ảnh chủ đạo trang trí dịp Noel năm nay sẽ giúp cho bà con cảm thấy đồng cảm hơn đối với những mảnh đời thiếu may mắn trong cơn đại dịch lịch sử.

lop-xejpg-photos-1640085021.jpg
Để thực hiện đủ tất cả các hạng mục trang trí thì các giáo dân Lưu Mỹ đã phải sử dụng gần hơn 1000 lốp xe

“Đã có hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn những người dân từ các vùng quê lên thành phố lập nghiệp để thực hiện ước mơ, thế nhưng chỉ vì cơn đại dịch, vì con Virus bé nhỏ thôi đã làm cho họ phải từ bỏ ước mơ, từ bỏ dự định và trở về trong bao khó khăn vất vả. Những ý tưởng trang trí cho dịp Noel năm nay của giáo xứ Lưu Mỹ chính là để nhắc nhở mọi người hãy cùng nhau sẻ chia với đồng bảo vượt qua đại dịch. Cũng là để truyền đi ý nghĩa về kiếp sống nhân sinh hữu hạn, đôi khi phải bất lực trước những con Visus nhỏ nhỏ bé. Đứng trước những thử thách như thế thì điều cần nhất là sự sẻ chia từ tất cả mọi người”. Thầy Phó tế Nguyễn Văn Công chia sẻ.

lop-xe1jpg-photos-1640085136.jpg
Giáo dân góp sức làm cây thông Nô en

Để thực hiện đủ tất cả các hạng mục trang trí thì các giáo dân Lưu Mỹ đã phải sử dụng gần hơn 1000 lốp xe được xin lại từ chính những người trờ về từ miền Nam xa xôi. Chúng tôi được thầy Nguyễn Văn Công đưa vào vào nhà thờ để xem hình ảnh một ngôi nhà được dựng lại từ những cột nhà cháy, và phần mái được làm hoàn toàn bằng lốp xe. “Cách đây chưa lâu, một nhà dân trong xã không may bị cháy và phía nhà thờ đã xin lại toàn bộ phần khung, với mong muốn dựng lại hình tượng Chúa sinh ra trong ngôi nhà có cày, có quốc, có cây chuối mang hình ảnh đặc trưng rất thân thuộc của làng quê Việt Nam./.

Mỹ Hà