Giải tỏa công suất hàng chục nhà máy điện gió ở Quảng Trị

Dự kiến vận hành trước ngày 1/11/2021 để được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ, hàng chục nhà máy điện gió ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị sẽ được giải tỏa công suất khi Dự án xây dựng Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo dự kiến khánh thành vào ngày mai 16/10.
diengio-1634347842.jpg
Ảnh minh họa, nguồn http://www.moit.gov.vn

Dự kiến vận hành trước ngày 1/11/2021 để được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ, hàng chục nhà máy điện gió ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị sẽ được giải tỏa công suất khi Dự án xây dựng Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo dự kiến khánh thành vào ngày mai 16/10.

Theo đó, Dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà – Lao Bảo hoàn thành góp phần truyền tải công suất các nhà máy điện gió ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia; đồng thời, đảm bảo cung cấp điện an toàn, nâng cao năng lực truyền tải và giảm tổn thất cho lưới điện khu vực.

Cụ thể, đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo có quy mô xây dựng mới đường dây 220 kV mạch kép, dài khoảng 47,3 km với 124 vị trí cột, đi qua các huyện: Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa. Điểm đầu là cột cổng 220 kV tại Trạm biến áp 220 kV Đông Hà, điểm cuối là cột cổng 220 kV tại Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo.
Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo được xây dựng tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa có quy mô 1 Trạm biến áp 220/110/22kV với 2 máy biến áp, công suất mỗi máy 250 MVA. Công trình này do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hiện nay, Quảng Trị có 84 dự án điện gió được đề xuất với tổng công suất trên 4.000 MW; trong đó, có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch.

Trong số 31 dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt, có 29 dự án điện gió tổng công suất trên 1.117 MW đang được xây dựng tại huyện miền núi Hướng Hóa với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.

Trước ngày 1/11, dự kiến có 13 dự án điện gió với tổng công suất gần 500 MW đi vào hoạt động để được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam./.