Giải pháp ngăn tối đa thất thoát sau thu hoạch lúa gạo

Dù có rất nhiều ưu điểm về mùa vụ và năng suất nhưng ngành lúa gạo Việt Nam cần xử lý tốt hơn cả khâu trước và sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng hạt gạo tốt nhất.
0411-1699085359.jpg
Giải pháp ngăn tối đa thất thoát sau thu hoạch lúa gạo.

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” do VFA và BizLIVE tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra rất nhiều quan điểm về thực trạng thất thoát lúa gạo sau thu hoạch cũng như đề xuất về một số giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng này.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Nguyên Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP), tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trước đây tổn thất sau thu hoạch rất cao, khoảng 16,17%, nhờ sự nỗ lực của chính phủ và các bộ ban ngành, cho đến hiện tại, khâu sấy lúa đạt khoảng 70 -75%, khâu bảo quản đạt khoảng 90-95% còn khâu xay xát khoảng gần 100%.
Gần đây, một số doanh nghiệp ĐBSCL thực hiện tốt hơn khâu xylo, từ trước đến nay doanh nghiệp thường sử dụng máy sấy công nghệ cũ chất lượng chưa tốt, chênh lệch về độ ẩm cuối cùng sau sấy lên đến khoảng 3%. Trong khâu chế biến, hiện tại đã giảm được tổn thất đáng kể. Tổn thất sau thu hoạch ở tất cả các khâu quanh mức khoảng 10%, mục tiêu hướng đến còn tổn thất khoảng 7-8%.

Ông Tấn đề xuất một số hướng giải quyết để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch. Cụ thể, về công nghệ sau thu hoạch, giải pháp cần phải tính đến cả trước và sau thu hoạch. Trước thu hoạch là chọn giống, phân bón, thuốc trừ sâu, sau thu hoạch là khâu sấy, bảo quản, xay xát. Cần đến giải pháp tổ chức sản xuất, không chỉ trong chuỗi công nghệ mà trong mặt quan hệ với các đơn vị liên kết trong chuỗi cung ứng lúa gạo.

Để có thể cải thiện tốt hơn chất lượng lúa gạo sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ trong từng khâu sau thu hoạch để giảm tổn thất, cải thiện chất lượng lúa gạo của Việt Nam, đồng thời cần tính đến tổ chức quản lý, trước tiên là tổ chức quản lý nâng cao hiệu quả của công nghệ, tối ưu hóa hiệu quả của các thiết bị công nghệ. Ngoài ra cần tính đến liên kết nhà nông, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để kiểm soát tốt hơn chất lượng của lúa gạo từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, giảm được chi phí trong sản xuất, chế biến, tăng hiệu quả đầu tư công nghệ.

Cũng theo phân tích của ông Tấn, ngành lúa gạo Việt Nam có một số ưu điểm, ĐBSCL có ba vùng sinh thái, mỗi vụ kéo dài ba tháng, như vậy bất kỳ lục nào đều có lúa thu hoạch, đem lại hiệu quả đầu tư cao. Nếu so với Thái Lan hay nhiều nước khác chỉ có một vụ, thời gian thu hồi vốn sau đầu tư thiết bị rất lâu nhưng ở Việt Nam thời gian này khá nhanh.

Hiện nay, nhà nước đang có những hỗ trợ để người nông dân mua thiết bị của các doanh nghiệp nước ngoài. Thứ ba, hiện nay đang có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các đơn vị chế biến nhằm ứng dụng kỹ thuật. Cuối cùng, việc giảm tổn thất sau thu hoạch cũng đã có những bước tiến. Trong thời gian tới, sự liên kết hợp tác giữa Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngày một tốt hơn.

Lúa phân hủy rất nhanh trong độ ẩm trên 18%, lúa sau khi thu hoạch ở độ ẩm thường khoảng 28%, nếu quá trình sấy sau thu hoạch kéo dài càng lâu thì lúa phân hủy càng nhiều, tỷ lệ gạo vỡ tăng rất nhanh trong hai tuần.

v-t04469-1699085450.JPG
Ông Jens Vinther Jensen

Ông Jens Vinther Jensen - Giám đốc điều hành FFT đồng thời đưa ra giải pháp cho việc này. Ông Jensen nhấn mạnh lúa gạo rất nhạy cảm với điều kiện nóng ẩm của Việt Nam, lúa gạo cần phải được lưu trữ trong điều kiện lý tưởng kiểu như trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Để giảm thất thoát sau thu hoạch, các hạt lúa cần phải được xử lý trong quy trình tốt nhất. Với công nghệ sấy phù hợp, sau khi sấy, toàn bộ lúa gạo cần phải được lưu trữ trong xylo được kiểm soát bằng phần mềm, lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ độ ẩm phù hợp.

Với công nghệ sấy trộn dòng phối khí liên tục, giúp cho việc sấy lúa đến từng hạt lúa. Việc kiểm soát bằng độ ẩm, ẩm độ sẽ giúp đảm bảo cho hạt lúa ở nhiệt độ tốt nhất. Việc lưu trữ lúa xong xylo giúp đảm bảo chất lượng hạt lúa ở chất lượng tốt trong thời gian dài, kiểm soát nền nhiệt tự động, sẽ giúp nâng cao giá trị của hạt lúa gạo trong chuỗi lúa gạo.

Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay vẫn là ghe thuyền, nhưng thực sự cần hiện đại hóa phương tiện này để giúp ngăn thất thoát trong quá trình vận chuyển lúa gạo. Ngoài ra, trong giải pháp mà FTT đưa về nơi sấy, ngay cả khi chứa từ ghe đưa lên có thể đưa vào xylo chờ sấy, giúp trung hòa ẩm độ, lưu không khí tốt, xử lý hạt lúa hiệu quả hơn trong lúc chờ ngày sấy.

buhler-1699085556.jpg
Ông Abbas Asif

Còn theo ông Abbas Asif, quản lý kinh doanh giải pháp chế biến lúa gạo của Buhler Việt Nam, Việt Nam hiện tại đang có trữ lượng gạo cần trữ và sấy quá lớn, nhiều khi sẽ phải đưa gạo đi rất xa, gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo sau thu hoạch, vì vậy cần tính đến biện pháp làm thoáng gió cho các ghe.

Chuyên gia Buhler đề xuất về phương pháp sấy từng mẻ, tổ chức những xylo ở quy mô vừa phải để trữ lúa sau khi sấy, sau khi bắt đầu xay xát chế biến để tiếp tục vận chuyển đi cho các công đoạn sau.

Ngọc Diệp