Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam hạn chế bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và đặc biệt trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi các nền kinh tế đang gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thống kê, tính đến tháng 10/2022, hàng hóa Việt Nam là “đối tượng” của 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nước ngoài; riêng 11 tháng của năm 2022, có 16 vụ việc. Trong đó, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (43 vụ), tiếp đến là ASEAN (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ)...

Nếu trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị dính kiện, thì nay, cả những nhóm hàng xuất khẩu với kim ngạch không đáng kể cũng dễ dàng bị kiện. Ngoài Mỹ, EU, Australia…, động thái sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đã lan sang cả những nước mới có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như Mexico, Canada.

nhom-1672099318.jpg
Nhôm ép của Việt Nam đã bị Australia khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (AD) lẫn chống trợ cấp (CVD). (Ảnh minh họa)

Trao đổi về vấn đề này tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp điều tra và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có số lượng ngày càng tăng. Cứ 5 năm 1 lần, số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ.

Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam hạn chế những rủi ro bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, theo ông Chu Thắng Trung, việc đầu tiên là doanh nghiệp cần phải có sự chủ động, tích cực và khắc phục tâm lý e ngại khi mà vướng phải các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Chia sẻ về giải pháp hạn chế các vụ việc điều tra chống lẩn tránh từ Hoa Kỳ, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho hay, khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà gặp phải các vụ việc phòng vệ thương mại, Thương vụ đã liên tục có các đề xuất:

Thứ nhất, về góc độ nghiên cứu thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định phòng vệ thương mại, đặc biệt là các chương trình hội thảo, các hoạt động trao đổi thông tin do cơ quan đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại tổ chức trong suốt thời gian vừa qua.

Về mặt các hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp, Bộ Công Thương luôn đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất khẩu luôn luôn chú ý đến nguồn gốc nguyên liệu, không sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước hiện đang bị áp dụng các biện pháp về phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu phải luôn luôn tạo được các giá trị gia tăng, giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó cũng góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối cũng như mang lại các lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, như hạn chế các vụ việc về phòng vệ thương mại.

Thứ hai, kiểm soát thông tin, thông tin cung cấp phải đầy đủ chính xác kịp thời và nhất quán trong các thông tin mà cung cấp cho cơ quan điều tra thì phải có sự nhất quán với nhau. Không thể có lần này, cung cấp một kiểu, lần sau lại trả lời một hướng khác…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cần có những hoạt động cảnh báo sớm để dự báo trước cho doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Như vậy thì các doanh nghiệp cũng có một thời gian để chuẩn bị trước và dự kiến trước những phát sinh có thể xảy ra để chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Hương Lan