Giá lúa gạo ổn định ở mức cao, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế trên thị trường thế giới

Giá lúa gạo hôm nay 22/3, tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Hiện, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế về chất lượng và giá ở thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Giá lúa gạo hôm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động mạnh. Nhiều địa phương đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, giao dịch lúa mới sôi động. Hiện, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.150 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 đồng/kg.

Mặt hàng phụ phẩm giá duy trì ổn định. Hiện, giá cám khô ở mức 7.700 đồng/kg, giá tấm ở mức 9.000 đồng/kg.

gao-a-1679453919.jpg
Ảnh minh họa

Mặt hàng lúa giá ổn định không có biến động nhiều. Cụ thể, tại An Giang, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; nếp tươi Long An có giá 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 là 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 có giá 6.800 – 7.100 đồng/kg; nếp khô Long An là 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động từ 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Các thương lái cho biết, hôm nay lượng gạo về nhiều, giá gạo ít biến động. Giao dịch lúa sôi động, nguồn lúa về nhiều, tấp nập, giá lúa ổn định. Nhà máy và thương lái hỏi mua nhiều hơn.

Ghi nhận tại một số chợ lẻ cho thấy, giá gạo thường là 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine có giá 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường là 14.000 đồng/kg; nếp ruột có giá 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen là 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài là 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài có giá 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg và Cám có giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới hôm nay không có biến động. Hiện, giá gạo 5% tấm đang ở mức 448 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 428 USD/tấn.

Nhiều doannh nghiệp gạo Việt Nam cho biết, đến cuối quý I/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào. Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang chịu sức ép về giá khi đồng baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài. Do đó, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam để tối ưu lợi nhuận.

Hiện, gạo Việt có nhiều lợi thế về chất lượng và giá ở thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc./.

Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột vũ trang, thời tiết cực đoan, nguy cơ dịch bệnh phức tạp, vật tư đầu vào tăng cao dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đã thực hiện tốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và với vị thế của nước xuất khẩu nông sản hàng đầu đã thể hiện trách nhiệm góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì được việc sản xuất lúa gạo với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 7,2 triệu ha với sản lượng hơn 43 triệu tấn thóc, bảo đảm lương thực quốc gia và xuất khẩu 6,0-6,5 triệu tấn gạo. Minh chứng điển hình là thời gian qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước, xuất khẩu gạo vẫn đạt kết quả khả quan.

Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội do nhiều nước trên thế giới đang có các chính sách nhằm bảo vệ an ninh lương thực trước những tranh chấp địa chính trị xảy ra gần đây, do đó tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm nhiều quốc gia nhập khẩu gạo nhiều hơn thay cho nguồn cung lúa mì bị đứt gãy. Trong khi đó, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp thiên tai làm giảm sản lượng lúa gạo, gây thiếu hụt nguồn cung. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đối với gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo trắng và gạo lứt là cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo (trong đó có Việt Nam) gia tăng thị phần. Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế quan theo một số FTA.

Việc cạnh tranh đối với một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Myanmar... là bình thường, tất yếu, nhất là khi các quốc gia đó còn dư địa về diện tích gieo trồng và cũng có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo. Cạnh tranh bao giờ cũng đem lại lợi ích chung và không còn cách nào khác chúng ta phải tổ chức sản xuất tốt hơn để đem lại giá trị nhiều hơn nữa cho hạt gạo Việt./.

Ánh Dương (t/h)