Giá dầu tiếp tục ghi nhận một phiên giảm mạnh, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua, do những lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu. Qua đó, khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,76 USD, hay 2,9%, xuống 92,34 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống 91,71 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 18/2.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,88 USD, hay 3,2%, xuống 86,53 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống 85,73 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 26/1.
Một người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/8 cho biết EU đang đánh giá phản ứng của Iran với điều mà khối này gọi là đề xuất “cuối cùng” để cứu thỏa thuận hạt nhân năm 2015, và đang lấy ý kiến từ Mỹ. Iran đã trả lời đề xuất vào ngày 15/8 những hiện chưa có bên nào cung cấp thông tin xung quanh diễn biến này.
Các dấu hiệu giảm tốc của những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ đã ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng nhu cầu dầu, gây sức ép lên thị trường.
Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế yếu cũng đang đè nặng lên giá dầu. Hoạt động xây nhà tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi qua vào tháng Bảy, do lãi suất cho vay thế chấp và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng. Điều này cho thấy thị trường nhà ở có thể suy giảm hơn nữa trong quý III.
Trong khi đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã phải hạ lãi suất để cố gắng thúc đẩy nhu cầu, khi nền kinh tế nước này đã bất ngờ chậm lại trong tháng Bảy so chính sách không COVID và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã kìm hãm hoạt động bán lẻ và chế tạo.
Ngân hàng Barclays (Anh) đã giảm 8 USD/thùng trong dự báo giá dầu Brent năm nay và năm sau, vì ngân hàng này dự đoán nguồn cung dầu thô sẽ thặng dư lớn trong ngắn hạn do nguồn cung “ổn định” từ Nga.