Giá dầu châu Á chiều 6/10 cao nhất trong ba năm qua

Trong phiên giao dịch 6/10, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, trên mức 83 USD/thùng, tại thị trường châu Á, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, từ chối gia tăng sản lượng nhanh hơn, trong khi lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung năng lượng thu hẹp trên toàn cầu.
gia-dau-251120-1633517021.jpg
Giá dầu châu Á phiên chiều 6/10 cao nhất trong 3 năm qua.

Vào lúc 15 giờ 13 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4 xu Mỹ xuống 82,52 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc có thời điểm tăng lên đến 83,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 10 xu Mỹ xuống 78,83 USD/thùng. Trước đó, trong cùng phiên này, giá dầu WTI có thời điểm tăng lên 79,78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.

Giá dầu đảo chiều đà tăng trước đó do Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 951.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/10.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho biết các chỉ số kỹ thuật cho thấy giá dầu đang tăng quá nhanh, và điều này có thể là dấu hiệu cho thấy giá dầu có khả năng sẽ điều chỉnh phần nào trong tuần này, nhưng tình hình chung có lợi cho “vàng đen” vẫn không đổi.

Đầu tuần này, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng dần sản lượng, mà không đẩy nhanh đà tăng này, bất chấp sự hối thúc từ Mỹ và nhiều nước tiêu thụ nhiều dầu khác.

Giá dầu Brent đã tăng hơn 50% kể đầu năm 2021 đến nay, qua đó gia tăng thêm áp lực lạm phát vốn có thể làm chậm đà phục hồi từ đại dịch COVID-19. Giá khí tự nhiên đã tăng lên các mức cao kỷ lục tại châu Âu và giá than đá của các nước xuất khẩu lớn cũng chạm các mức cao nhất từ trước đến nay.

Khánh Ly