Ghép Thiện Trường giúp cây cà phê tăng năng suất gấp 3-4 lần

Người dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi chuyển đổi mô hình tăng năng suất cây cà phê bằng hình thức ghép đa thân Thiện Trường. Mô hình này cho năng suất cao gấp 3-4 lần so với cây cà phê truyền thống.
ghep-thien-truong-tang-nsua-1698285409.jpg
Ghép Thiện Trường cho cây già cỗi, là mô hình kháng sâu bệnh tốt, đặc biệt còn tăng năng suất cho cây cà phê. Ảnh: Lâm Thông

Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) học hỏi từ các địa phương lân cận, đã cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép chồi Thiện Trường. Cách làm này đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi cây cà phê kháng bệnh tốt và cho năng suất cao gấp 3-4 lần so với cây cà phê thực sinh (cà phê truyền thống).

Được biết, đời sống cây cà phê có thể kéo dài hàng trăm năm, nhưng giai đoạn sung sức nhất chỉ từ năm thứ 5 đến năm thứ 15. Trên 25 năm cây cà phê sẽ già cỗi, năng suất thấp, sức đề kháng thấp, sâu bệnh sẽ phát triển. Vườn cà phê của anh Nguyễn Công Tuấn (trú tại xã Ia phìn) sau nhiều năm khai thác cũng đến lúc già cỗi, năng suất sụt giảm thấy rõ. Qua tìm hiểu, anh bắt đầu thuê người ghép Thiện Trường toàn bộ vườn cà phê của mình. Anh nói: “Thấy bà con xung quanh và xã Gào mọi người trồng và làm nhiều rồi, mình cũng phải thay đổi và thử theo phương pháp mới để tăng năng suất cho vườn nhà mình”.

a-tuan-iaphin-1698285409.jpg
Anh Tuấn phấn khởi thu hoạch cà phê tại vườn. Ảnh: Lâm Thông

Khi cây cà phê trồng lâu năm thì sẽ già cỗi và năng suất giảm rõ rệt, thay vì chặt bỏ trồng mới rất tốn kém, người dân chuyển qua ghép cây đa thân Thiện Trường. Phương pháp này là hình thức ghép chồi ở gần gốc thân cây cà phê, mỗi cây chỉ cần 4 mắt ghép và sau thời gian 2 năm là có thể thu hoạch được.

ty-le-song-80-90-1698285409.jpg
Cây ghép Thiện Trường có tỉ lệ sống từ 80-90%. Ảnh: Lâm Thông

Mô hình ghép cây đa thân Thiện Trường xuất xứ từ vườn ươm cà phê Trường Sơn (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) do anh Trường nghĩ ra cách ghép chồi trên thân cây cà phê có sẵn. Từ đó lấy tên giống cây ghép là Thiện Trường (tên hai vợ chồng ghép lại), sau đó giống này du nhập vào Gia Lai từ năm 2013 và hiện nay đã được phát triển và nhân rộng trên toàn tỉnh.

Giống Thiện Trường tuy chưa được công nhận là giống đầu dòng nhưng nhờ nhiều đặc tính vượt trội, nên được khá nhiều bà con ưa chuộng. Ưu điểm của giống cà phê này là thích nghi với đất bạc màu nhiều sỏi đá, đất bauxite nghèo dinh dưỡng cộng với tính sinh trưởng mạnh, chống chịu thời tiết tốt, kháng được sâu bệnh nên sẽ giảm được thuốc bảo vệ thực vật. Tốc độ phát triển của cây tương đối mạnh, ngay cả trên nền đất bạc màu, đất pha sỏi đá thì cây vẫn có thể sinh trường tốt.

Ngoài ra, khả năng đậu trái của cà phê Thiện Trường tương đối cao. Cây có thể chịu nhiều yếu tố thời tiết nên rất nhiều trang trại cà phê lớn chọn trồng giống này. Quả to, tỷ lệ lép hạt. Tuy vỏ dày nhưng chất lượng tươi, khô vẫn đảm bảo năng suất.

Bà Trần Thị Sót (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn) phấn khởi cho biết: “Ghép Thiện Trường có thể cho năng suất lên đến 20-30 tấn tươi/ha, tuy mọc chồi nhưng cành rất cứng cáp và có đốt quả dày. Hay hơn nữa là loại này chín tập trung nên rút ngắn được thời gian thu hoạch, tiện gọi công thợ một lần. Lượng phân bón cũng tiết giảm được khoảng 30% so với các giống cà phê khác nhưng năng suất vẫn ổn định, có điều phải tưới nước đầy đủ hơn so với giống cũ”. 

ba-sot-iaphin-1698285409.jpg
Bà Trần Thị Sót vui mừng bên vườn cà phê năng suất cao. Ảnh: Lâm Thông

Hỏi về mô hình này, ông Hoàng Xuân Thanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Phìn phấn khởi cho biết: “Hiện nay toàn bộ xã đã có hơn 50% số hộ chuyển qua mô hình ghép Thiện Trường để cải tạo cây cà phê và xã cũng đã hỗ trợ các hộ đi khảo sát thực tế mô hình của những người tiên phong để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số về kĩ thuật và cách chăm sóc theo mô hình ghép đa thân Thiện Trường”.

Sau quãng thời gian học hỏi và thử nghiệm thành công, hầu hết các hộ ở xã Ia Phìn, Chư Prông đều chuyển qua mô hình ghép đa thân Thiện Trường, hiệu quả tăng năng suất rõ rệt. Hiện nay, giống này đã được bà con nhân rộng ra toàn tỉnh và các vùng lân cận. Đây cũng là sự chuyển hướng, thay đổi hợp lý của bà con nông dân trồng cà phê ở Gia Lai nói riêng và các tỉnh thành Tây Nguyên nói chung.

Dù chưa được công nhận là giống cà phê đầu dòng, nhưng hiện nay, cây cà phê giống mang thương hiệu Thiện Trường đang được bà con nông dân các tỉnh thành Tây Nguyên ưa chuộng. Đây cũng là một giống mới được chọn tạo từ những cá thể ưu tú trong quần thể cà phê của tỉnh Lâm Đồng. Một khi được khảo sát, đánh giá và công nhận giống đầu dòng, cà phê Thiện Trường sẽ là giống mới góp phần làm phong phú thêm bộ giống cà phê của vùng Nam Tây Nguyên.
Lâm Thông