Cụ thể, theo báo cáo Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam của Fitch Solutions cho quý III năm nay, Việt Nam đạt 74,6 trên 100 điểm về độ mở kinh tế, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46 và mức trung bình toàn cầu là 49,5 điểm.
Trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 201 thị trường được tổ chức này đánh giá. Theo đó, Việt Nam có điểm số chỉ xếp sau Singapore, Hong Kong, Macao và Malaysia.
Fitch Solutions nhận xét Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi nỗ lực tự do hoá kinh tế của Chính phủ và quá trình hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD.