Trong thông báo mới nhất, Fitch cho hay kể từ lần đánh giá gần nhất vào tháng 8/2021, rủi ro cho hoạt động tài chính của Ukraine đã gia tăng do một loạt yếu tố, bao gồm nguy cơ căng thẳng kéo dài với Nga, điều kiện tài chính hạn chế, dòng vốn "chảy" khỏi nước này ở tốc độ vừa phải và dự trữ ngoại tệ suy yếu.
Cơ quan này cũng lưu ý mặc dù bị hạ bậc từ tích cực xuống ổn định, triển vọng của Ukraine không tiêu cực vì Fitch tin rằng nước này "sẽ tránh được xung đột quân sự toàn diện với Nga".
Fitch bày tỏ tin tưởng rằng việc Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các kênh tài chính song phương sẵn sàng mở rộng hỗ trợ cho Ukraine, bên cạnh khuôn khổ chính sách vĩ mô, dự trữ ngoại hối cùng tài khóa được củng cố vào năm 2022 sẽ giúp giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế này.
Trước đó hôm 2/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các bên liên quan tìm ra một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tổ chức này nhấn mạnh rằng tình hình đó đã tác động đến giá năng lượng và tạo thành mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu.
Quan hệ Nga với Ukraine và phương Tây đã leo thang căng thẳng thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng./.