Đây là hai huyện giáp ranh với Lào Cai, một trong những vùng du lịch truyền thống. Nếu nói liên kết vùng trong du lịch, Hà Giang không thể không chú ý đến vị trí địa lý của hai huyện vùng cao này.
Chặng đường từ Quốc lộ 2 rẽ vào Hoàng Su Phì đã khá hơn trước nhưng xe vẫn đi rất chậm vì cua tay áo quá nhiều. Một rưỡi chiều chúng tôi đã đến Tân Quang, ai cũng nghĩ đến Thị trấn Vinh Quang còn có gần 50km chắc chỉ hai tiếng, ai ngờ sau hơn 3 tiếng mới đến nơi. Hiện nay con đường đang được nâng cấp.
Mặc dù đã nhiều lần rong ruổi trên con đường này nhưng chúng tôi vẫn choáng ngợp bởi những thửa ruộng bậc thang trong mùa lúa chín tiếp nối lên tận đỉnh núi cao. Thỉnh thoảng chúng tôi lại dừng xe, thi nhau chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa. Du khách bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hồn của núi rừng ruộng nương miền Tây quên hết mệt mỏi. Cảm giác hân hoan và lâng lâng ấy theo mọi người suốt cả chặng đường khiến khoảng cách dường như gần lại. Để có được những tầng tầng đất ấy biết bao nhiêu thế hệ đã đổ mồ hôi, kể cả xương máu tạo nên bức tranh nhân tạo khổng lồ giữa thiên nhiên.
Huyện Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, với những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc như Lễ hội Khu Cù Tê của dân tộc La Chí, Lễ Cấp Sắc, Lễ hội Nhảy Lửa, Cầu Mùa của dân tộc Dao đỏ... Những quả đồi với những thửa ruộng bậc thang như những mâm lúa vàng óng ánh dưới nắng thu và những nương chè Shan tuyết cổ thụ xanh mướt trên những triền núi cao, tạo cho Hoàng Su Phì cảnh quan đẹp khác lạ và hấp dẫn. Đó là lợi thế, là tiềm năng của Hoàng Su Phì nói riêng và miền Tây nói chung trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa cộng đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Công ty TNHH Khám phá Khánh Hòa đã đầu tư ở thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, nơi có khung cảnh thiên nhiên và địa điểm lý tưởng để triển khai xây dựng Khu du lịch Pan Hou với mục tiêu: trách nhiệm, bền vững và vì cộng đồng. Hà Giang tuy có nhiều trở ngại trong phát triển du lịch vì vị trí địa lý, vì kinh tế còn nghèo, không có đường sắt, không có sân bay, nhưng chọn 3 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Quang Bình để phát huy thế mạnh du lịch sinh thái và khám phá với điểm nhấn Pan hou là hợp lý.
Bởi Quang Bình tiếp giáp với đường sắt từ Hà Nội đến Phố Lu tỉnh Yên Bái; Xín Mần tiếp giáp với huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai có đường ô tô thông tuyến từ Khu du lịch Sa Pa sang; Xín Mần và Hoàng Su Phì sẽ là điểm trung chuyển đưa đón khách từ Phố Lu, Bắc Hà đến với Thành phố Hà Giang và các huyện vùng cao phía Bắc.
Đến Hoàng Su Phì không thể bỏ qua khu du lịch Pan Hou, một diểm du lịch chuyên nghiệp ở vùng này. Công ty này xây dựng khá bài bản và sử dụng tới 90% lao động là con em các dân tộc ở địa phương và các nhân viên là người Dao, Tày, Ngạn, Mông… đều đã làm tốt vai trò của người làm du lịch. Ban lãnh đạo khu du lịch đã chủ động lưu giữ tập quán văn hoá của các dân tộc, từ tập quán sinh hoạt đến trang phục khi làm việc, một mặt chứng minh với khách du lịch rằng người dân các dân tộc Hà Giang cũng có trình độ chuyên môn và cũng có thể làm dịch vụ du lịch như các điểm du lịch khác trong nước; một mặt khắc phục những nhược điểm các khu du lịch khác đã mắc là không có sự tham gia của người dân địa phương trong các dịch vụ du lịch đa dạng thường ngày.
Khi khách du lịch chọn hình thức du lịch sinh thái, bản thân họ đã có nhận thức về bảo vệ môi trường và phong tục tập quán của người dân bản địa. Mục đích chuyến đi của họ là thưởng ngoạn phong cảnh cảnh núi non hùng vĩ, sống giữa thiên nhiên khoáng đạt, tìm hiểu văn hóa truyền thống, không quan tâm nhiều đến tiện nghi ăn, ở. Vì thế Pan Hou là nơi tập kết khách để tổ chức một mạng lưới các tour tham quan sinh thái và nghỉ tại nhà dân trên địa bàn các xã trong khu vực. Việc cần làm là phải gìn giữ môi trường và bản sắc văn hóa của các dân tộc để tạo sức hấp dẫn từ sự đa dạng của các nền văn hoá. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của cả 3 phía - chính quyền địa phương, cư dân bản địa và nhà đầu tư - cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho mọi người tham gia làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Khi đã tham gia các hoạt động phục vụ du lịch, người dân sẽ nhận ra lợi ích từ du lịch mang lại, họ sẽ hiểu cần phải bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp, nhà ở thoáng mát vệ sinh, giữ gìn bản sắc dân tộc và tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng, khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Đó chính là du lịch xanh.
Miền Tây Hà Giang với những thửa ruộng bậc thang lấp lánh ánh bạc mùa cấy hoặc vàng ruộm mùa lúa chín, những cung đường uốn lượn bên sườn những ngọn núi đất cao ngất, những Cổng trời mờ ảo giữa mây xanh, văn hoá truyền thống mang nét riêng của từng dân tộc độc đáo… Hoàng Su Phì, Xín Mần hoàn toàn không thua kém các huyện phía Bắc về cảnh quan và bản sắc.
Sẽ chẳng nơi nào hấp dẫn bằng những bản làng vùng cao yên bình nên thơ và ấm áp bởi sắc vàng của bạt ngàn lúa chín, tươi mát của núi rừng biếc xanh mênh mang đầy ấn tượng. Nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, mùa nào miền Tây cũng thu hút đông đảo giới trẻ và những người ưa khám phá. Ngày 16/9/2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là "Di tích Quốc gia".
Thực ra không phải chờ có chứng nhận này, từ nhiều năm qua, Hoàng Su Phì đã là điểm đến của du khách khi mùa lúa vàng rộ lên trên những triền ruộng bậc thang. Đến với Hoàng Su Phì, đến với những làng văn hoá du lịch Nậm Hồng, Giàng Thượng, Phìn Hồ, Làng Giang… du khách sẽ được thỏa sức tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thư giãn thoải mái trong bầu không khí trong lành giữa núi rừng trùng điệp và tiếng suối róc rách reo vui. Có thể leo lên đỉnh Chiêu Lầu Thi cao hơn 2000 mét so với mực nước biển để ngắm trời, ngắm mây.
Hoàng Su Phì điểm đến hấp dẫn giữa khung cảnh rất yên bình và lãng mạn, sự trẻ trung hồn nhiên của những cô gái miền cao sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng tốt đẹp. Không những thế, đến đây du khách có dịp tìm hiểu về đời sống văn hoá của đồng bào Dao, chiếm tới 80% dân số ở đây, và các dân tộc Tày, Nùng, Ngạn, Mông, La Chí... với bản sắc văn hoá độc đáo.
Từ Hoàng Su Phì vào vào Xín Mần. Lại con đường bé xíu cua lượn liên tục. Bởi quan tâm tới du lịch nên tôi muốn biết sang Lào Cai dễ hay khó mới hay bên Lào Cai đường rất tốt nhưng bên Xín Mần còn hơn 10km đường cấp phối khá gập ghềnh trắc trở. Trên đoạn đường này tôi gặp mấy nhóm du khách phương Tây từ Bắc Hà, Lào Cai sang, đến đoạn đường xấu, khó đi, họ đã quay lại, chỉ vài du khách trẻ quyết định tiếp tục hành trình khám phá.
30km từ Xín Mần đến Bắc Hà là đoạn đường nối hai vùng du lịch tiềm năng, là đoạn đường đưa du khách từ Lào Cai đến với Xín Mần - Hoàng Su Phì, rồi sang các vùng du lịch khác của Hà Giang. 10km đường gập ghềnh phía Hà Giang nếu không hoàn thiện sớm, du lịch miền Tây sẽ mất một lượng khách rất lớn và du lịch phía Bắc Hà Giang cũng chịu tổn thất không nhỏ.
Ai cũng biết Xín Mần là vùng du lịch đầy tiềm năng. Chỉ cách Hoàng Su Phì 40km về phía Tây, trên diện tích tự nhiên hơn 58.000ha có nhiều điểm du lịch hấp dẫn với nhiều loại hình phong phú như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng... Xín Mần có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, luôn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình, cần cù sáng tạo và giàu lòng mến khách - những nét đẹp truyền thống văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng, giàu bản sắc văn hoá, mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao núi đất.
Đến với Xín Mần du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng phong cảnh vùng cao bên rặng Tây Côn Lĩnh - nơi có tới 3 Di sản Quốc gia có giá trị về lịch sử và văn hóa. Có lẽ ít mảnh đất nào có được vẻ đẹp riêng huyền bí như Xín Mần, nơi lâu nay vẫn được coi là vùng đất chứa nhiều điều bí ẩn. Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 2 có thể tới Xín Mần bằng 2 đường. Đường thứ nhất, đến huyện Bắc Quang, theo tỉnh lộ 279 tới thị trấn Yên Bình thuộc huyện Quang Bình, rồi theo tỉnh lộ 183 vượt Đèo Gió. Đường thứ hai, từ Hà Nội theo Quốc lộ 2 qua Bắc Quang, lên đến ngã 3 Tân Quang, theo tỉnh lộ 177 qua Hoàng Su Phì.
Nếu theo tỉnh lộ 279 để lên Xín Mần, du khách sẽ qua thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn, nơi sinh sống của người Việt cổ. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Bãi đá cổ, di sản văn hoá cấp Quốc gia. Ở vùng Bãi đá lớn, trên phiến đá lớn nhất có các họa tiết hoa văn với nhiều hình họa mang tính phồn thực, ghi dấu ấn thời Mẫu hệ của xã hội cổ đại và các bức hoạ được các nhà khoa học xác định là cổ nhất, từ thời tiền sơ sử.
Trải qua hơn 2.000 năm, đến nay Bãi đá cổ Nấm Dẩn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người Việt cổ trải qua thời kỳ Mẫu hệ ở đây sinh sống, phát triển ra sao còn là bí mật với thế giới văn minh ngày nay. Hiện nay còn rất nhiều giả thiết về bãi đá này và chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác, cũng như việc dịch nghĩa các ký tự được khắc trên đó. Từ Nấm Dẩn, du khách còn có thể tới Bản Phùng khám phá những ngôi mộ cổ được cho rằng của ông Hoàng Vần Thùng, một người khổng lồ, “ông vua” của người La Chí.
Những ngôi mộ cổ, mộ giả và mộ thật, đắp to đều nhau và được sắp đặt như có sự cố ý, hiện nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Đến Xín Mần còn để tìm hiểu lịch sử cha ông ta trấn giữ biên ải miền Tây Tổ quốc trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc ở xã Khuôn Lùng, hay khám phá di tích Thác Tiên, Đèo Gió và đắm mình trong không gian u tịch của rừng nguyên sinh mênh mang trên độ cao 1.400m so với mặt nước biển.
Xín Mần, nơi thượng nguồn con sông Chảy với chiều dài qua huyện 40km, dòng suối đầu nguồn trong vắt đã tạo nên một Thác Tiên thơ mộng huyền bí, khí hậu mát mẻ trong lành; và rừng nguyên sinh Đèo Gió, nơi có nhiều loài gỗ quý hiếm sinh trưởng gần 500 tuổi với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Trên đường đi, du khách còn được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt với dòng sông Chừng, sông Chảy uốn lượn dưới chân những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh lụa. Dọc theo những cung đường uốn lượn quanh co, thấp thoáng bản làng với những ngôi nhà cheo leo dựng bên sườn núi tạo nên ấn tượng hoang sơ, yên bình đầy hấp dẫn.
Đến Nàn Ma, hình ảnh con sông Chảy như dải lụa mềm vắt ngang lòng thung lũng giữa biển lúa vàng gợn sóng và những dãy núi xanh quá trời xanh sẽ là ấn tượng khiến du khách không thể quên. Thị trấn Cốc Pài nhỏ bé nằm gọn trong một thung lũng bậc thang xoáy trôn ốc từ chân lên đến đỉnh núi. Qua cầu Cốc Pài, một cây cầu độc và lạ, mố cầu có chiều cao gần 100 mét, men theo bên phải dòng sông Chừng 20km là đường lên cửa khẩu Xín Mần.
Con đường được tráng nhựa phẳng lì nhưng quanh co lên dốc xuống đèo, độ cao thay đổi liên tục đem lại một cảm giác choáng ngợp về núi rừng phía cực Tây của tỉnh Hà Giang. Khi đặt chân lên cửa khẩu biên giới, du khách sẽ tận mắt thấy bức tường biên giới do Tưởng Giới Thạch xây từ thế kỷ trước. Trong những năm qua, lượng khách đến với Xín Mần ngày càng tăng. Huyện đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng lưới giao thông và trồng cây xanh tạo cảnh quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài vào đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí, tạo môi trường du lịch và các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú.
Huyện cũng chú ý phát triển các sản phẩm du lịch, văn hoá ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền để thu hút và tạo ấn tượng đối với du khách, xây dựng các làng văn hoá du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, chế tạo đàn tính, khèn Mông, trống, dây dao, túi cước, nón lá địa phương. Các sản phẩm địa phương phục vụ du khách như rượu Làng Táo của xã Bản Ngò, chè Shan tuyết, cá nướng, thịt bò khô, nõn cọ, gạo Già dui, nếp Nàng Hương, mật ong, thảo quả, gà đen, miến dong... Đặc biệt, du khách còn được hoà mình vào cuộc sống của người dân địa phương, luôn được đón tiếp bằng sự nhiệt tình, thân thiện và hiếu khách.
Tạm biệt Xín Mần, tôi vẫn luôn nghĩ đến đoạn đường 10km trắc trở. Bao giờ đoạn đường này không còn gập ghềnh khó đi để du khách từ Bắc Hà sang không còn quay lại, mà hào hứng đến với Hà Giang? Bao giờ đoạn đường này được trải nhựa phẳng lì để có thể thiết kế các tuor nối liền hai vùng du lịch tiềm năng? Du lịch miền Tây Hà Giang sau một thời gian dài như bị quên lãng nay đã bừng tỉnh.
Làm thế nào để sông núi, ruộng nương hút được khách phương xa về cùng chia sẻ, thưởng ngoạn, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều ở các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và đồng bào địa phương. Phát huy thế mạnh sẵn có, chúng ta phải làm thế nào để những bản làng êm đềm, những ruộng nương đẹp như cổ tích đem đến cho du khách những phút giây thư thái, lãng mạn và mộng mơ để họ nhận ra, dù chỉ trong khoảnh khắc, như tìm được bạn tâm giao, như gặp người tri kỷ, thấu hiểu những mong muốn của riêng mình?
Tận dụng lợi thế của quê hương, chúng ta phải làm sao cho những ngọn núi, những cung đường, những cổng trời cao ngất đem lại cho du khách cảm giác hạnh phúc, sảng khoái giữa đại ngàn hoang sơ, giữa thiên nhiên rộng lớn, khoáng đạt để thoả đam mê được chinh phục, được khám phá và trải nghiệm những cảm giác mạnh không quên nổi trên vùng đất này?
Con người Hà Giang mạnh mẽ, kiên cường, không ngại vượt khó sẽ tạo nên điều kỳ diệu đó. Để ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thay đổi màu sắc theo mùa đẹp đến lạ kỳ; Bãi đá cổ Nấm Dẩn bí ẩn; Thác Tiên, Đèo Gió, những vườn chè cổ thụ mờ ảo trong màn sương bên rặng núi hùng vĩ níu chân du khách, Và, Du lịch xanh bên rặng Tây Côn Lĩnh sẽ cất cánh trong một ngày không xa./.