4 giải pháp đẩy mạnh liên kết du lịch giữa TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng

Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của Thành phố là hơn 10% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác.

Do vậy, ngay sau khi TP. Hồ Chí Minh chính thức chuyển trạng thái từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn với Covid-19 từ đầu tháng 10/2021, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch phục hồi du lịch với các hoạt động nội vùng, liên tỉnh và quốc tế; chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng. 

Đến nay, các chỉ tiêu của ngành du lịch đều phục hồi khả quan: 6 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43% so với cùng kỳ, về khách quốc tế, thành phố cũng đón được gần 500.000 lượt. Tổng thu du lịch đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. 

Với “Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ mở rộng” được tổ chức tại Nghệ An đầu tháng 7/2022 kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị và Thanh Hóa được kỳ vọng là một trong các giải pháp chủ lực giúp gia tăng lượng khách, doanh thu du lịch và định vị thương hiệu du lịch các địa phương trong thời gian tới”.

1-1657696971.jpg
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đại diện cho lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tham gia đón đoàn 130 khách du lịch đến từ Hoa Kỳ.

Các thoả thuận liên kết phát triển du lịch với 4 nội dung được ký kết là các vấn đề cốt lõi của công tác phát triển du lịch bao gồm công  tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch. TP. Hồ Chí Minh tin rằng, liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới cho từng địa phương, thông qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế. 
Với kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh trong triển khai các liên kết với các vùng, để liên kết thật sự mang lại hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh đề nghị một số nội dung cần tập trung triển khai, cụ thể như sau:

1. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên kết trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là việc phát triển ngay các sản phẩm liên kết giữa các địa phương và công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm tận dụng mùa hè, cao điểm của thị trường du lịch nội địa nhằm gia tăng lượng khách và doanh thu du lịch cho các địa phương; tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ có liên quan triển khai các kế hoạch kinh doanh.

2. Các địa phương cần tổ chức các hoạt động kết nối để doanh nghiệp giữa các địa phương có cơ hội tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm cũng như trao đổi các chính sách hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm phát huy mối quan hệ hợp tác, tạo ra các chuỗi sản phẩm có chất lượng, giá trị, thật sự mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với khách du lịch nhằm đưa liên kết vào trong thực tiễn kinh doanh của ngành du lịch và doanh nghiệp.

3. Các Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch các tỉnh thành trong liên kết chủ động tham mưu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành trong liên kết để việc liên kết được chặt chẽ, nhịp nhàng, thường xuyên và hiệu quả. 

4. Tập trung phối hợp trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng, có chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển và đón đầu khả năng tăng trưởng của du lịch từng địa phương và du lịch vùng. Với lợi thế là trung tâm tập trung gần như nhiều nhất số lượng cơ sở đào tạo du lịch của cả nước, TP. Hồ Chí Minh cam kết và sẵn sàng phối hợp với các địa phương để triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực.

2-1657697032.jpg
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại “Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ mở rộng”.

Để hiện thực hóa một cách cụ thể liên kết giữa các tỉnh thành, TP. Hồ Chí Minh đã mời các tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE) năm 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 9/2022. Đây là một trong các Hội chợ du lịch quốc tế lớn và có uy tín của Việt Nam, được tổ chức chuyên nghiệp với nhiều nội dung hoạt động, thu hút các doanh nghiệp lớn từ nhiều thị trường quốc tế đến tham dự và được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC), đồng thời sẽ nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các tỉnh thành tham dự, kết nối với các trung tâm du lịch của Việt Nam và các thị trường quốc tế; tạo ra cơ hội để quảng bá thương hiệu và thu hút du khách đến Việt Nam nói chung và đến từng địa phương nói riêng...
                                                                                                                                                                                                      

Đạm Quang Lê