Báo cáo chỉ ra giai đoạn từ tháng 7/2014 đến 11/2022, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 65 dự án, công trình (tổng diện tích 2.319,4ha) vi phạm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng.
Trong 65 trường hợp vi phạm có 50 trường hợp tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ đầu tư; 9 trường hợp không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; 6 trường hợp đã triển khai, còn vướng mắc về công tác bồi thường, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.
Theo báo cáo, UBND tỉnh đã gia hạn sử dụng đất 42 dự án, công trình, với tổng diện tích đất hơn 593ha. Trong 42 dự án được gia hạn, đến nay có 15 dự án, với diện tích hơn 55ha đã đưa đất vào sử dụng; đang theo dõi và xử lý 22 dự án, với tổng diện tích 516,3ha.
UBND tỉnh thu hồi đất 10 dự án, công trình, tổng diện tích đất hơn 23ha (trong đó có 5 dự án được gia hạn, hết thời gian gia hạn vẫn chưa triển khai dự án, với diện tích 22,4ha).
Các dự án bị thu hồi đất gồm: Dự án mở rộng khách sạn Hòa Bình tại phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa (chủ đầu tư (CĐT): Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh Đồng Nai), Dự án nhà ở công nhân tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (CĐT: Công ty Cổ phần DIC Đồng Tiến), Dự án nhà hàng Phú Hội, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (CĐT: Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh Đồng Nai), Dự án Trạm cung cấp vật tư nông nghiệp tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch (CĐT: Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Đồng Nai), Dự án Tổng kho xăng dầu tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch (CĐT: Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu COMECO), Dự án Trảng Bom plaza tại thị trấn Trảng Bom (CĐT: Tổng Công ty Cổ phần Phát triển khu công nghiệp Sonadezi), Dự án nhà hàng tiệc cưới tại phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh của Tổng Công ty Tín Nghĩa…
Đối với các dự án nếu không thực hiện đúng tiến độ
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến các chủ dự án chậm đưa đất vào sử dụng như: Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm; hạ tầng chung của khu vực chưa được đầu tư; quá trình xử lý các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng… mất nhiều thời gian.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra các giải pháp: tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ sử dụng đất của các tổ chức đã được giao đất, cho thuê đất. Trường hợp dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp đủ điều kiện, UBND tỉnh sẽ xem xét cho nhà đầu tư được gia hạn thời hạn sử dụng đất để tiếp tục triển khai đầu tư dự án. Giao các Sở, ngành và UBND cấp huyện (nơi có đất) có trách nhiệm giám sát, đôn đốc, theo dõi nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng trong thời gian gia hạn tiến độ sử dụng đất, kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện dự án để chỉ đạo xử lý theo quy định…
Đối với trường hợp đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, chưa hoàn thành dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, giao Sở TN&MT tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất…
Trước đó, vào hồi tháng 10/2022, Bộ TN&MT gửi công văn số 6118/BTNMT-TCQLĐĐ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rà soát; lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai.
Khẩn trương thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm.
Kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết hạn, hoặc cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn đưa đất vào sử dụng.
Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân của việc không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, đôn đốc chủ đầu tư.