Đôi điều với báo chí truyền thông

Vụ việc “thổi giá” kit test không thể kết thúc đơn giản và nhanh chóng khi mới đây Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
thu-tuong-yeu-cau-day-nhanh-tien-do-dieu-tra-xac-minh-mo-rong-vu-an-thu-hoi-tai-san-bi-chiem-doat-va-that-thoat-som-dua-cac-doi-tuong-ra-xet-xu-1640389925.jpeg
Thủ tướng yêu cầu Công an khẩn trương điều tra xác minh

Vụ này dính líu đến nhiều cơ quan, ban ngành và không loại trừ có cả những “tai to mặt lớn”. Có rất nhiều điều cần nói, có rất nhiều ngành cần nhắc đến. Nhưng thôi, hôm nay chúng ta chọn một ngành mà xem ra dư luận không mấy hài lòng. Đó chính là báo chí truyền thông.

Bác Hồ kính yêu đã dạy các nhà báo rằng: “Có thế nào nói thế ấy, không gắn với định kiến cá nhân hay tô hồng cũng như bôi đen sự việc”. Thế nhưng, có lẽ nhiều nhà báo đã quên mất, hay giả vờ quên để làm khác đi, nói không đúng sự thật để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Trong vụ việc của công ty Việt Á, thấy báo chí có quá nhiều điều đáng bàn. Trước hết, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống báo chí, từ trang thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ đến truyền hình và các báo từ cấp nhà nước đến địa phương, tất cả gần như đã đồng loạt gỡ bài ngợi ca, bốc thơm về cái Kit test của công ty Việt Á. Thay vào đó là những bài mới ra đời với sự đảo chiều 180 độ, đang từ ngợi ca tang bốc lên mây nay bỗng mạt sát thậm tệ mà có thể nói không ai có thể tin được

Để mọi người dễ hiểu, tôi xin kể lại câu chuyện xưa. Đó là chuyện “Ông quan đánh rắm”. Khi viên quan nhỡ đánh một cái trung tiện, tên hầu cận thứ nhất vểnh tai lên nghe rồi ngân nga: "Y hi quản thược chi âm" (nghe như tiếng tiêu tiếng sáo). Tên hầu thứ hai phồng mũi ra hít một hơi rồi cũng ngâm ngợi: "Phảng phất chi lan chi huệ" (Phảng phất mùi hoa lan hoa huệ). Vị quan nọ mới nói: "Ta nghĩ rắm là uế khí, bình thường phải có mùi thối, chúng bay nói như vậy khác lẽ thường tình. Chả lẽ ta mắc bệnh nan y sắp chết hay sao? Cả hai tên hầu cận hoảng hốt, toát mồ hôi. Rồi cả hai đồng loạt đứng lên hít lấy hít để và đồng thanh: "Bây giờ bọn tiểu nhân lại thấy thối rồi ạ".

Vẫn là thứ Kit ấy lúc trước báo chí thì lại đồng loạt a dua, khen lấy khen để đánh lừa dư luận. Đến khi Kit được bề trên thú nhận là là kém chất lượng thì báo chí lại đồng loạt chê bai mạt sát làm cho dân đen cứ “ngẩn tò te” ra chẳng hiểu thế nào. Cứ theo giọng của các đàn anh báo chí như Nguyễn Công Khế, Hoàng Hải Vân, Trần Đình Thu... thì lúc tốt thì khen, xấu thì chê là chuyện thường tình. Chỉ có điều các vị quên mất chuyện tối quan trọng mà các nhà báo phải làm trước khi viết và đăng bài là “đánh giá kiểm chứng nguồn tin”!

Tại sao khi Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi Bộ Y tế đưa ra thông tin về WHO chấp nhận sản phẩm Kit Việt, Bộ Y tế Anh cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng châu Âu cho Kit Việt, hơn 20 nước đặt hàng và ta thành cường quốc xuất khẩu Kit..., khi ấy các nhà báo không kiểm chứng khách quan như một nhà báo chân chính?

Xin nói rằng các văn bản từ chối của WHO tuy rằng bằng tiếng Anh, nhưng chả lẽ không ai biết tiếng Anh, chí ít cũng có thể dùng “google dịch” để mà thẩm định? Tại sao phải đợi đến bây giờ nói theo cựu bộ trưởng KHCN vụ việc nay đã bị “bung và toang” rồi mới chui vào công xưởng sản xuất Kit Việt để “thực mục sở thị” cơ ngơi cái lò sản xuất Kit vừa nhỏ lại vừa thiếu tiện nghi không giống ở đâu mới kêu toáng lên, chửi bới mạt sát hết lời là sao?

Nếu ở thời điểm đó, báo chí viết "một cách chân thực, có dũng khí, có kiểm chứng đàng hoàng", thì đã không có chuyện toàn dân bị khai thác đến toét cả lỗ mũi, không có những khu bắt người dân đi tập trung một cách vô lý gây hoang mang và bất bình của dư luận

Hy vọng đây là bài học đắt giá cho báo chí truyền thông trong việc kiểm chứng nguồn tin trước khi đăng bài để người dân không bị hoang mang và thắc mắc. Để các cơ quan công quyền có thể qua đó đánh giá tình hình sắp xếp các biện pháp phù hợp cho mọi tình huống!./.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích