Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023 nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong thực hiện đa dạng hóa thị trường, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm nên mức độ suy giảm xuất khẩu nói chung và xuất khẩu tới tới các thị trường truyền thống có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng thị trường xuất khẩu có sự khác nhau.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng (châu Phi tăng 6,4%; Một số nước Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu tăng 7,5%; Tây Á tăng 8,7%); đồng thời, mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp (xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,6% trong cả năm 2023; thị trường EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 5,9% trong cả năm 2023; thị trường Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 3,4%...).
Trong năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 83 tỷ USD giảm 12,6% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 61,67 tỷ USD, tăng 6,4% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%.
Đánh giá về thị trường Mỹ, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tháng 1/2024, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin, sau vài năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nền kinh tế Mỹ đang dần ổn định trở lại. Lạm phát đang ở mức vừa phải, lãi suất tăng nhưng ổn định, điều kiện thị trường lao động đang hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng có dấu hiệu giảm tốc.
Đặc biệt, năm 2024 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 2021 - 2024 và Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm tới. Do đó, dự báo chính sách thương mại khó có những thay đổi đáng kể trong năm 2024. Mặt khác, trong năm bản lề để thu hút cử tri, chính quyền hiện tại có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, từ đó có thể sẽ tạo ra nhiều khó khăn thông qua các rào cản phòng vệ thương mại đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. “Với dự đoán nền kinh tế tăng trưởng khó khăn trong năm 2024 và tăng cường áp dụng các biện pháp thắt chặt mang tính bảo hộ, dự đoán năm 2024 có thể sẽ vẫn là năm khó khăn cho việc xuất khẩu Mỹ"- ông Hưng cho biết.
Trước bối cảnh đó, ông Đỗ Ngọc Hưng kiến nghị, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, ngành hàng địa phương cần tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách của Mỹ ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời. Đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc, có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến xuất khẩu tại Mỹ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các đối tác, xác minh tư cách pháp nhân nhằm tránh các rủi ro trong giao dịch thương mại cho doanh nghiệp./.