*Sức ép ngày càng lớn
Nigel Upson, chủ sở hữu nhà máy chế biến thịt gà Soanes Poultry ở Anh, cho biết đã giảm sản lượng 10% trong khi tăng lương 11% để giữ chân lao động. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh), ông Upson phàn nàn rằng nhà máy của ông đang gặp "vô vàn khó khăn".
Ông Upson nhấn mạnh tình hình rất nghiêm trọng, khi ông cần đảm bảo số lượng lao động ở mức 138 người để duy trì hoạt động cho nhà máy, song gần đây nhà máy đã phải hoạt động với dưới 100 nhân viên. Richard Griffiths, người đứng đầu Hội đồng Gia cầm Anh, cho biết lao động châu Âu chiếm khoảng 60% lực lượng lao động trong ngành này và tính đến nay ngành đã mất hơn 15% lượng lao động.
Các vấn đề ngày một nghiêm trọng tại nhà máy Soanes Poultry của ông Upson tại Yorkshire (Anh) là một ví dụ điển hình cho thấy sức ép ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ năm thế giới khi bước ra khỏi cuộc chiến với dịch COVID-19 để đối đầu với các rào cản thương mại hậu Brexit.
Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến thậm chí đã phải tăng lương tới 30% trong một số trường hợp chỉ để giữ chân nhân viên. Điều này có khả năng sẽ kéo theo sự chấm dứt một mô hình kinh tế đã giúp các siêu thị như Tesco cung cấp một số thực phẩm với mức giá thấp nhất châu Âu.
Các nhà quan sát lưu ý sau làn sóng rời đi của những lao động châu Âu, những người thường làm những công việc mà người lao động Anh không muốn làm, các nhà bán lẻ “xứ sở sương mù” có thể phải nhập khẩu nhiều hơn. Một số doanh nghiệp còn cho rằng trong khi tất cả các nền kinh tế lớn đều chịu ảnh hưởng do tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động sau đại dịch, các quy định siết chặt nhập cư mới tại Anh đã khiến đà phục hồi càng trở nên khó khăn hơn.
Vừa phải tăng lương cho lao động, vừa phải thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp càng chịu sức ép lớn hơn khi chi phí thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, đóng gói bao bì sản phẩm… tăng đột biến. Ông Upson cho biết giá thực phẩm đang tăng và người tiêu dùng nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
*Định hướng từ chính phủ
Để giải quyết khó khăn, các chủ doanh nghiệp đã kêu gọi chính phủ tạm thời nới lỏng các quy định về thị thực trong khi họ thực hiện các chương trình đào tạo nhân viên và tự động hóa các quy trình cần thiết. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định rằng các doanh nghiệp cần phải giảm “cơn nghiện” đối với lao động nước ngoài giá rẻ lao động ngay bây giờ và tăng cường đầu tư vào công nghệ cung như tạo việc làm với mức lương cao cho 1,5 triệu người thất nghiệp ở Anh.
Đầu tháng này, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ không cho phép quốc gia này trở lại tình trạng "nhập cư không kiểm soát" để giải quyết vấn đề thiếu lao động được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt và thực phẩm hiện nay tại nước này.
Trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Johnson cho rằng nền kinh tế Anh đã "đổ vỡ" từ trước Brexit và giờ đây đang trải qua những thay đổi cần thiết. Ông nêu rõ người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016 và tiếp tục ủng hộ chính phủ do phe chủ trương Brexit lãnh đạo vào năm 2019, qua đó người dân đã thể hiện mong muốn chấm dứt mô hình kinh tế đã đổ vỡ, phụ thuộc vào lực lượng lao động lương thấp, ít kỹ năng và sản lượng kém.
Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cho hay làm việc tại một nhà máy chế biến gà không phải là ý tưởng nghề nghiệp hấp dẫn đối với nhiều người Anh. Mặc dù chính phủ đã cho phép 5.500 lao động nước ngoài sẽ được phép làm việc tại các đơn vị chế biến gia cầm của Anh trước dịp Giáng sinh và cấp thị thực khẩn cấp cho 800 lao động nước ngoài làm việc ở khâu giết mổ song ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nhấn mạnh con số trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của họ.
Liên minh Nông dân Quốc gia Anh và các tổ chức lương thực khác cho biết trong một báo cáo gần đây rằng chuỗi cung ứng thực phẩm của Anh đang trong trạng thái bấp bênh và hạn chế khả năng đầu tư vào tự động hóa.
Trước đà tăng của giá hàng hóa, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang cân nhắc xem liệu đà tăng gần đây của lạm phát có kéo dài, và buộc ngân hàng này phải nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục. Nhà hoạch định chính sách của BoE Michael Saunders cho biết các hộ gia đình cần chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất sớm hơn khi lạm phát dự kiến vượt trên 4%.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Yorkshire Post, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết việc lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của BoE là đáng lo ngại và cần can thiệp để ngăn chặn đà tăng lạm phát kéo dài.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc BoE đề cập một cách rõ ràng về khả năng này trong biên bản chính sách tháng Chín là dấu hiệu cho thấy ngân hàng này sẽ cân nhắc việc sớm nâng lãi suất trong tháng 11/2021 hoặc tháng 12/2021.
Văn phòng thống kê quốc gia (ONS) của Anh cho biết Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này trong quý II/2021 tăng 5,5%, cao hơn mức dự báo 4,8% được đưa ra trước đó.