Doanh nghiệp bị phạt đến 2 tỷ đồng nếu không nộp Quỹ Bảo vệ môi trường

Các doanh nghiệp nếu không kê khai, nộp kinh phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải có thể phải nộp phạt đến 2 tỷ đồng.

Đây là nội dung trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ.

Quy định này nhằm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo Luật bảo vệ môi trường 2020.

Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế như: thuốc bảo vệ thực vật, kẹo cao su, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, thuốc lá và đồ nhựa dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, quần áo, đồ da, giày dép, đồ chơi và túi nilon khó phân hủy kích thước nhỏ... đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022 về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai theo quy định.

nop-tien-1649318874.jpg
Doanh nghiệp bị phạt đến 2 tỷ đồng nếu không nộp Quỹ Bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Đối với trường hợp không kê khai, không nộp tiền, ngoài việc thanh tra, xử phạt hành chính, những doanh nghiệp này còn bị công khai tên doanh nghiệp vi phạm trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ngân sách phải chi trả trên 20.000 tỷ đồng cho xử lý môi trường và chất thải rác sinh hoạt, nên việc các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ là một nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ xử lý chất thải hiện nay.

"Chi phí thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt là chi phí rất lớn, hàng năm tăng vì khối lượng tăng và người dân cũng chi trả một phần. Chính vì vậy, nhà sản xuất có trách nhiệm hỗ trợ một phần, bổ sung kinh phí để giúp giải quyết vấn đề thu gom và xử lý rác thải đang quá tải", ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

"Với khoản đóng góp tài chính trực tiếp vào Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ là một nguồn tài chính bổ sung tương đối lớn trong tương lai để bù đắp những chi phí, đặc biệt ở địa phương khó khăn về chi phí trong việc quản lý chất thải rắn", chị Nguyễn Hoàng Phượng, Trưởng nhóm Tư vấn Chính sách và Phát luật, Công ty TNHH Tư vấn e-Policy, nhận định.

Hiện trên thế giới có trên 400 mô hình EPR, nhiều mô hình đã vận hành từ những năm 90 của thế kỷ trước ở các nước châu Âu hay Bắc Á…

Anh Vân (t/h)