Sự xuất hiện của biến thể mới có tên gọi Omicron và được Tổ chức Y tế Thế giới cho là một biến thể đáng lo ngại đã khiến các thị trường trên thế giới đi xuống và chỉ số S&P 500 có mức giảm tính theo phần trăm trong một phiên mạnh nhất trong chín tháng.
Khi còn chưa xác định được rõ mức độ nguy hiểm của biến thể mới, những tác động dài hạn hơn đến các tài sản tại Mỹ là điều còn để ngỏ. Ít nhất, các nhà đầu tư cho rằng có những dấu hiệu cho thấy biến thể mới đang lây lan và những vấn đề đặt ra về hiệu lực vaccine có thể tác động đến các giao dịch được hưởng lợi nhờ việc mở cửa trở lại nền kinh tế vốn đã tạo động lực đi lên cho thị trường nhiều lần trong năm nay. Sự xuất hiện của biến thể mới cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiểm soát lạm phát.
Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors, David Kotok, cho rằng các thị trường đang chuẩn bị cho sự kết thúc của đại dịch, nhưng đại dịch chưa qua. Mọi vấn đề về chính sách như chính sách tiền tệ, chiến lược kinh doanh, dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sự phục hồi của lĩnh vực giải trí và nhà hàng, khách sạn bị trì hoãn.
Chỉ số S&P 500 giảm hơn 30% khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, nhưng tăng hơn hai lần sau đó. Chỉ số này tăng hơn 22% trong năm nay. Trước ngày 26/11, việc vaccine được cung cấp rộng rãi hơn và việc điều trị bệnh nhân COVID-19 có những tiến triển đã khiến các thị trường ít nhạy cảm hơn với diễn biến dịch.
Tuy nhiên, ngày 26/11, cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng như của Zoom Communications, Netflix Inc và Peloton vốn hưởng lợi trong giai đoạn phong tỏa đã tăng mạnh, trong khi các cổ phiếu phục hồi nhờ khả năng mở cửa trở lại nền kinh tế có thể chịu áp lực khi những lo ngại về dịch gia tăng.
Biến thể Omicron đã lây lan trên thế giới trong ngày 28/11, với 13 ca nhiễm được phát hiện tại Hà Lan và hai ca tại Đan Mạch và Australia (Ôx-trây-li-a)./.