Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang-Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Phòng vệ thương mại là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.
Do đó, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng, nhất là các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn thì càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có 209 vụ việc điều tra về phòng vệ thương mại. Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại rất đa dạng, từ nông sản, kim loại như thép, nhôm, giày dép, sợi…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã khởi xướng 25 vụ việc với hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các mặt hàng thép, nông sản, đường, bột ngọt, hóa chất, phân bón...
Điều này cho thấy, tuy Việt Nam đã hội nhập hơn 20 năm nhưng các biện pháp phòng vệ thương mại triển khai vẫn còn hạn chế bởi Việt Nam mới giảm thuế sâu trong vòng 5 năm gần đây.
Theo bà Phạm Châu Giang, so với thế giới, kinh nghiệm về phòng vệ thương mại của Việt Nam còn tương đối hạn chế do đa số vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu mới xuất hiện 10 năm trở lại đây.
Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp, cách đây 20 năm lần đầu tiên gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Colombia điều tra phòng vệ thương mại đến nay nhận thức của doanh nghiệp đã chuyển biến khá tích cực.
Đặc biệt, thời gian gần đây, với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nhiều lên và doanh nghiệp cũng bắt đầu quen với vấn đề này.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; trong đó, nòng cốt là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu để cánh báo các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài cũng như dữ liệu hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp nền tảng để cung cấp thông tin thường xuyên cho doanh nghiệp trong ngành về phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp, ngành hàng trong trường hợp nào nên xây dựng hồ sơ để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Có thể khẳng định, việc cảnh báo sớm về các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó thành công trước các vụ việc điều tra từ nước ngoài.
Theo đó, dựa trên số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước và các nước với nhau cơ quan quản lý sẽ tìm ra dòng chảy thương mại mang tính bất thường, đột biến là mối quy nguy với nước nhập khẩu để cánh báo cho doanh nghiệp, ngành sản xuất; liên hệ với trực tiếp với hệ thống thương vụ tìm hiểu thông tin kỹ hơn về động thái thị trường xuất khẩu.
Bà Phạm Châu Giang cho rằng, hầu hết thời gian các nước thông báo điều tra phòng vệ thương mại rất ngắn, trong khi doanh nghiệp phải nộp rất nhiều thông tin để phục vụ điều tra.
Do đó, việc cảnh sớm đã đạt được những hiệu quả nhất định, bảo vệ được lợi ích của hàng hóa của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên do nguồn lực nên hiện dung lượng thị trường, ngành hàng cảnh báo vẫn chưa nhiều.
Để giúp doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cảnh báo nhiều thị trường, ngành hàng.
Thực tế đang cho thấy, thách thức đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ rất lớn khi các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn do dịch bệnh, xu hướng bảo hộ gia tăng.
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng do Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do dù điều này đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến xuất hiện nhiều hơn về phòng vệ thương mại với xuất khẩu.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo quản lý chặt về gian lận xuất xứ, nâng cao năng lực phòng tránh các vụ kiện về phòng vệ thương mại...
Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ ngành sản xuất; sử dụng công cụ phòng vệ thương mại linh hoạt, phù hợp với quy định của WTO; tăng cường nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho cơ quan quản lý.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn triển khai các chương trình đào tạo về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp, ngành sản xuất; trong đó chú trọng phối hợp với các hiệp hội xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, phù hợp với các thị trường chiến lược.
Đặc biệt, Bộ sẽ tiến hành đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với các nước có nhiều vụ việc điều tra, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dù có vụ việc xảy ra nhưng không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam./.