Để mùa xuân gõ cửa mọi nhà

Khi những đàn chim én bay về, thiên nhiên lại bừng dậy sức sống mới. Mùa xuân gắn liền với sự sống, hy vọng tươi rói, vẹn nguyên bất tận, không gì có thể cưỡng lại được.

Tuổi thơ háo hức mong chờ ngày Tết để được mặc quần áo mới và được bố mẹ cho đi chơi. Tuổi trẻ bồi hồi trước trái tim khác giới, hò hẹn cùng đi hái lộc, sung sướng hoà nhập khát vọng của mình vào sự raọ rực tự nhiên của muôn loài. Tuổi già thấy ấm áp trước sự sum vầy của con cháu, trước lòng thành kính dành cho mình, xua đi nỗi cô quạnh suốt cả năm.

Những chàng trai nghĩ tới những kế hoạch xâm lược, thôn tính vào nhiều lĩnh vực, sự nghiệp, từ công việc chuyên môn, hoạt động xã hội đến một trái tim. Các cô gái thổn thức, khấp khởi với bao dự định cuộc sống trong đó có sự chờ đợi những bàn tay kỳ diệu đến gõ cửa lòng mình. Bao nhiêu người tràn ngập niềm vui, niềm tin về quãng đường một năm tuy ngắn ngủi mà đất nước đã có nhiều thành đạt đáng kể. Nhất là cả dân tộc vừa trải qua những ngày khó khăn, cam go nhất do đại dịch cô-vít 19 ập đến rồi lây lan. Đã tạm thời kiểm soát được Dịch nhưng vẫn còn đó nguy cơ rủi ro khiến cả dân tộc vẫn phải tiếp tục gồng mình lên để đương đầu, khắc phục rồi lo hoàn thành mục tiêu kép.

Đó là những niềm vui chân chính mà giản dị, tự nhiên. Lại có những niềm vui thấp hèn, không được taọ ra bởi chính những thành quả lao động sáng tạo bản thân mà như ở vận may “trời cho” trên con đường chức nghiệp. Bên cạnh những người đầy tớ thực sự của dân, mỗi dịp năm hết Tết đến lại bạc thêm nhiều sợi tóc vì lo cho từng nhà, từng người có đầy đủ hương vị ngày Tết, lo cho năm tới mỗi người đều có công ăn việc làm, duy trì được cuộc sống ổn định, lo cho không có ai bị bỏ lịa phía sau đã không thiếu kẻ phởn phơ ngồi tính đếm ngón tay số người sẽ mang lễ vật đến nhà mình, dự tính các đối tượng, ước đoán các khoản lễ, rồi phác thảo những mưu toan, ý đồ làm ăn lớn cho năm sau.

Mài sắc thêm cái đục, cái khoan để tiếp tục khoét thêm vào nền kinh tế đất nước, vét đầy túi tham cho mình, bất chấp sự thất thoát của xã hội, sự gieo neo của bao người lao động chân chính. Đối với họ, hình như mùa xuân đến sớm hơn, và hình như mùa xuân cũng gõ cửa nhà nhộn nhịp hơn. Từ những ngày trước Tết còn khá xa, rất nhiều xe máy, xe hơi của nhiều người, nhiều cơ quan với nhiều tư cách cá nhân và tập thể đã rộn rã trước cửa, trứơc ngõ nhà họ, để rồi sau đó, khi những đợt khách đã ra về, đến lượt họ lại khởi động xe, chuyển những lễ vật ấy đến những địa chỉ khác cao hơn (!) It nhất, ở những căn hộ đó cũng nhộn nhịp thực sự, qua đôi mắt quan sát của trẻ thơ.

8202102112131299207860-1643653468.jpg
Ảnh minh hoạ

Những cành đào, quất quá cỡ đã được chuyển về nhà họ đầu tiên. Trong khi đó, bao nhiêu gia đình lao động bên cái vui của tuổi thơ, tuổi trẻ là nỗi lo toan không nhỏ. Gánh nặng của đời sống đã quá tải trên vai họ suốt cả một năm, lại trĩu thêm, đè xuống những ngày giáp Tết. Để có đựơc dăm cân gạo nếp, vài cân thịt, mấy lạng đậu xanh, chai rượu, hộp bánh rồi những bộ quần áo mới cho những đứa con nhỏ- những cái tối thiểu nhất cho một cái Tết bình thường- với người này chỉ là chút lễ vật nhỏ mọn, nhưng với người khác là cả một chặng đường dồn toa, nước rút cuối năm.

Với bao nhiêu nhà, mùa xuân lại như là đến quá muộn. Những ngày cuối năm rồi mà mọi dấu hiệu đón xuân trong nhà họ vẫn chưa xuất hiện. Họ đang phải cùng với nỗi vất vả cực nhọc lo toan chạy đua trên khắp các ngả, suốt ngày đêm, gần như đến tận giây phút chót của năm. Đó là hoàn cảnh của phần đông những người nghèo, đang làm việc tận tuỵ và chân phương. Đã rất đáng cảm thông những nhà đó, nhưng lại càng cảm động, thậm chí xúc động biết bao trường hợp một số lãnh đạo- tuy đang còn hiếm hoi nhưng đã gieo cấy cho bao người niềm tin yêu lớn- đã quên mình cho mùa xuân của người khác.

Tôi có người bạn làm giám đốc một công ty của Nhà nước. Một vài năm nay, do rất nhiều khó khăn khách quan, công ty anh làm ăn không được như ý. Mỗi dịp Tết đến, anh vò đầu nặn óc nghĩ cách cải thiện chính đáng cho công nhân. Anh bổ đi khắp nơi tìm cách liên doanh, ký kết các hợp đồng. Anh tuyên bố dõng dạc trước mọi người : Không nhận bất cứ món quà tặng nào. Ai không thực hiện lệnh, anh sẽ thông báo công khai sự vi phạm đó. Nêu trường hợp này trong bối cảnh hiện nay, liệu có bao nhiêu người sẽ cho anh bạn giám đốc của tôi là hâm, là cực đoan? Và không biết hiện nay đất nước chúng ta có được bao nhiêu người lãnh đạo bị coi là “hâm” như thế? Tôi tin rằng còn, còn nữa.

Nhưng thường thì khi đã có được phẩm chất cao quý đến mức sẵn sàng không nghĩ đến bản thân, người lãnh đạo chân chính nào cũng chỉ mong đời sống của quần chúng được cải thiện thực sự mà không thích phô trương, không thích lên đài, lên báo vì không muốn người ta hiểu lầm mục đích, động cơ. Có lần tôi ngỏ ý muốn viết một bài nêu gương anh bạn giám đốc nọ thì anh nói:

- Làm lãnh đạo mà để anh em đói khổ, túng thiếu thì không có gì nhục bằng. Đó là chút lương tâm tối thiểu của ngươì quản lý bình thừơng. Anh đưa tôi lên báo để biểu dương hay là bêu riếu? Vì ở công ty chúng tôi, mùa xuân chưa gõ cửa hết tất cả mọi nhà. Đó là nỗi đau rất lớn luôn canh cánh trong lòng tôi.

Lời nói cuả anh bạn tôi giản dị mà sâu sắc làm sao! Những Tết như thế mặc dầu là một giám đốc có tầm cỡ, nổi tiếng về chuyên môn, nhưng người ra vào nhà anh không nhộn nhịp. Bạn bè thân thiết đến chơi với anh, nếu ai tinh, sẽ nhận ra vẻ đăm chiêu, đượm buồn trong cái khuôn mặt cố gắng tự nhiên, vui vẻ cuả anh.

Xin đừng đề cao quá đáng một thứ lý luận : Làm quản lý, lãnh đạo phải giàu có mới mong làm cho người dưới quyền mình giàu được. Tết nhất phải to, phải vui ở những gia đình đó thì anh em mới trông vào, noi theo mà phấn đấu! Một cách lập luận có vẻ hiện đại, cấp tiến, có vẻ khuyến khích mọi sự năng động, nhưng cũng dễ “mập mờ đánh lận con đen”, và người ta đã dựa vào đó mà biện minh cho đủ mọi cách làm giàu biển lận.

Ôi! Mùa xuân vô tư và có vẻ như rất công bằng. Nó tràn đến mọi nơi theo quy luật thiên nhiên, không loại từ mảnh đất nào trong khu vực. Nhưng phải đâu nó có thể gõ cửa mọi gia đình cùng một lúc? Đại dịch Cô-vít hiện nay đã phân hoá thêm sự giàu nghèo trong xã hội để mùa xuân đến gõ cửa cũng sớm hoặc muộn hơn đối với từng nhà. Có thể chưa thật to, thật vui, thật rộn rã, tưng bừng, có thể còn đơn sơ đạm bạc, nhưng hãy để mùa xuân gõ cửa đều khắp mọi nhà. Đó là hạnh phúc toàn vẹn của chúng ta./.

Đình Nguyễn