Theo đó, Bộ TN&MT hướng đến thực hiện mục tiêu tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2027, Bộ TN&MT chủ trì tham mưu xây dựng nhiều chính sách pháp luật quan trọng như sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Khoáng sản, các Đề án, quy hoạch, chiến lược quan trọng phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Các hoạt động truyền thông chính sách được quan tâm thực hiện như tham vấn cộng đồng, hội thảo truyền thông, hội thảo tiếp thu ý kiến góp ý tham vấn; tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân, tổ chức, nhằm hướng đến tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách.
Trước đó, ngày 30 tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022- 2027". Theo quy định hướng dẫn của Chính phủ kể từ năm 2023, 100% chính sách lớn được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giải pháp như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; Hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách; Phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; Tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục chính sách trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh về truyền thông dự thảo chính sách; Xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách; Tổ chức triển khai các hình thức truyền thông về dự thảo chính sách; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; Huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông djw thảo chính sách.
Đề án xác định bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.