Theo thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2024 có chủ đề: “Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường 2024” sáng 31/1, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.
Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chủ động nắm chắc tình hình, bám sát với diễn biến thực tiễn; sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, ứng phó với những diễn biến phát sinh; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do; kịp thời quán triệt và nỗ lực hướng tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của năm 2023 đã đề ra.
Trong thành công của toàn ngành, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thực hiện tốt công tác thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đổi mới hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, phối hợp tốt với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, làm việc với chính quyền nước sở tại tháo gỡ các rào cản, tranh chấp thương mại; cũng như tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường sở tại qua đó phát triển thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã triển khai tổ chức hàng nghìn sự kiện xúc tiến thương mại ở trong nước và nước ngoài, tiêu biểu là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, đã triển khai thực hiện 121 đề án - trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, thị trường tiềm năng, quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế…
Đã có hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình này với hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD… Nhờ đó, đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.
Từ đó, lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại đề nghị các Thương vụ hỗ trợ Cục cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, quảng bá và mời khách hàng nước ngoài đến tham dự và giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện của Việt Nam tại nước ngoài và sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế tại Việt Nam, đồng thời lựa chọn các sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín tại nước ngoài, phù hợp với năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu cho Cục Xúc tiến Thương mại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu tham gia…
Đồng thời, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào ba định hướng lớn trong hoạt động Xúc tiến Thương mại, trong đó tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, tập trung vào công tác Chuyển đổi Số phải gắn với chuyển đổi Xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững./.