Có thể thu được hàng chục ngàn tỷ đồng từ đấu giá đất dọc Vành đai 3 tại TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác rà soát quy hoạch đô thị, phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM. Tổ công tác gồm 14 thành viên gồm lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu giúp lãnh đạo UBND TP.HCM triển khai thực hiện rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch. Tham mưu công tác thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu để phục vụ kế hoạch khai thác quỹ đất dọc 2 bên tuyến đường Vành đai 3, cập nhật vào quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040; xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận.

Ngoài tham mưu, tổ công tác sẽ rà soát và đề xuất UBND thành phố các dự án cần ưu tiên đầu tư để đồng bộ khai thác hiệu quả quỹ đất. Bên cạnh đó, cũng nghiên cứu thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phục vụ giao thông (TOD) giúp chỉnh trang đô thị và tạo quỹ đất đấu giá.

Rà soát quỹ đất công dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 hoặc tiệm cận và rà soát quy hoạch đất nông nghiệp tại khu ít dân cư, để đề xuất chủ trương đầu tư lập dự án bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở tạo quỹ đất sạch. Từ đó, tham mưu tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội cho TP.HCM.

ha-tang-1686905372.jpg

Ảnh minh họa.

Theo tính toán của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, quỹ đất vùng phụ cận dự án Vành đai 3 ở địa bàn TP.HCM là hơn 2.400 ha, trong đó, có khoảng 500 ha đất nông nghiệp do nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu về gần 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, nếu rà soát, thu hồi và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, tổ chức đấu giá tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai với chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, trong tháng 6/2023, các địa phương sẽ đồng loạt khởi công tuyến giao thông quan trọng này. Không chỉ có ý nghĩa tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương trong khu vực, tuyến đường Vành đai 3 còn có ý nghĩa đặc biệt nhiều mặt về kinh tế. Nhất là quỹ đất dọc hai bên tuyến đường này sẽ được khai thác ra sao được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm. Cả TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đã lên danh sách, khảo sát cẩn thận quỹ đất này để tạo động lực phát triển cho địa phương.

Thi Nguyên (t/h)