Dầu Brent duy trì đà tăng giá, kết thúc chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp của dầu WTI

Giá dầu thế giới tuần qua trồi sụt liên tục, gây hoang mang cho giới đầu tư vì nguồn cung bị gián đoạn ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Thị trường dầu mở đầu tuần này (ngày 14/2) khá thuận lợi khi giá đạt mức tăng hơn 2%, cao nhất trong hơn bảy năm qua, giữa bối cảnh giới đầu tư hướng sự chú ý tới những bình luận từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chủ tịch của chi nhánh Fed tại bang St. Louis, ông James Bullard ưu ý rằng Fed đã "mất cảnh giác" với sự tăng vọt giá cả. Ông Bullard nêu rõ: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi đà gia tăng của lạm phát. Đây là mức lạm phát rất lớn trong lịch sử nền kinh tế Mỹ. Uy tín của chúng tôi là ở đây. Chúng tôi phải phản ứng với những dữ kiện này. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng tôi có thể làm điều đó một cách có tổ chức và không gây ảnh hưởng đến thị trường”.

camxaytramxang1copy-1642565875-1282-1642566814-1645254095.jpg
 Một trạm xăng tại Queens, New York, Mỹ

Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran cũng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư dầu mỏ. Bộ trường ngoại giao Iran cho biết, nước này muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận tại các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna (Áo), miễn là các lợi ích quốc gia được bảo vệ. Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch liền sau đó, trước khi phục hồi vào phiên 16/2, khi giới đầu tư tiếp tục đánh giá về tình hình căng thẳng địa chính trị.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này tăng 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/2. Nhà phân tích về năng lượng tại Commerzbank Research (Đức), Carsten Fritsch, cho rằng nếu căng thẳng dịu bớt, giá dầu có thể tiếp tục giảm.

Phiên 17/2, giá dầu thế giới mất khoảng 2% khi các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran bước vào giai đoạn cuối cùng, tạo điều kiện tăng thêm nguồn cung dầu thô. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu trong phiên này bị hạn chế do căng thẳng giữa nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine vẫn tiếp diễn.

Nhà phân tích Stephen Brennock từ công ty môi giới PVM Oil (Vương quốc Anh) cho biết, thị trường dầu mỏ đang bị “mắc kẹt” trong cuộc chiến giằng co giữa lệnh trừng phạt Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân và căng thẳng Nga-Ukraine.

Giá hai loại dầu chủ chốt biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 18/2. Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) khép lại phiên cuối tuần với mức giảm 69 xu Mỹ (0,5%), xuống 91,07 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lại tăng 57 xu Mỹ (0,6%), lên 93,54 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 1,7%, dứt chuỗi tám tuần đi lên liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent lại tăng nhẹ 0,9%, ghi dấu tuần tăng giá thứ chín liên tiếp.

Lo ngại về việc nguồn cung có thể bị gián đoạn do sự hiện diện của quân đội Nga tại biên giới Ukraine đã hạn chế đà giảm của giá dầu trong tuần này. Phương Tây đã cảnh báo Nga, nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, bằng các biện pháp trừng phạt mới nếu nước này có hành động quân sự liên quan tới Ukraine, cho dù Nga phủ nhận việc lên kế hoạch cho bất kỳ hành động quân sự nào.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) nói rằng, một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới đã gần kết thúc, nhưng thành công phụ thuộc vào ý chí chính trị của những người có liên quan.

Thỏa thuận đang hình thành nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới đặt ra nhiều giai đoạn nhằm đưa hai bên tuân thủ hoàn toàn, và giai đoạn đầu tiên không bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ. Do đó, các nhà phân tích cho biết, rất ít khả năng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường trong tương lai gần để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay.

Tạo thêm áp lực giảm giá cho dầu WTI là báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Mỹ) cho biết, các nhà khoan dầu tại Mỹ đã bổ sung thêm 4 giàn khoan dầu trong tuần này, lên 520 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Đây là một dấu hiệu cho thấy sản lượng sẽ tăng trong tương lai.