Theo Quyết định số 128 của Bộ Công Thương, 6 công ty bị thu hồi giấy phép bao gồm: (1) Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng (Cần Thơ), (2) Công ty CP Thương mại dầu khí Đại Long (Hà Nội), (3) Công ty TNHH Thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà (Hà Tĩnh), (4) Công ty CP xăng dầu An Hữu (Trà Vinh), (5) Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng (Hà Nội), (6) Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang.
Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/2. Sáu doanh nghiệp nói trên phải nộp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu trước ngày 15/3/2023.
Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối. Ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình, thương nhân còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc hoặc thông qua các thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.
Do đó, sau khi thương nhân phân phối bị thu hồi giấy phép, các đại lý trực thuộc hoặc các thương nhân nhượng quyền bán lẻ phải tìm nhà cung cấp khác. Lý do là hiện nay, các đại lý và thương nhân bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn duy nhất.
Liên quan đến vấn đề kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương mới đât đã trình Chính phủ dự thảo 2 về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công thương đồng ý để các đại lý xăng dầu được mua từ nhiều nguồn, thay vì bảo lưu quan điểm chỉ được mua từ 1 nguồn như quy định hiện nay (có thể giới hạn từ 2-3 nguồn). Bộ Công thương lựa chọn phương án này với lý do nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Còn thương nhân phân phối chỉ được mua từ 3 nguồn (đầu mối), không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác./.