Đắk Lắk: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn

Tình hình sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian vừa qua phát triển ổn định, đặc biệt năm 2022 với chủ trương huy động vốn của doanh nghiệp và người dân đã mang lại hiệu quả cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và tái sinh rừng.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã trồng được 3.874 ha rừng, tăng 0,16% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng được chăm sóc là 29.606 ha, giảm 0,03%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh là 77.310 ha, ổn định; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 373.000 ha, tăng 0,04%; cây lâm nghiệp trồng phân tán ước là 1.880 nghìn cây, giảm 0,16%…

Tình hình khai thác gỗ rừng trồng và các lâm sản tiếp tục duy trì phát triển do giá gỗ ở mức cao. Dự báo thời gian tới sản lượng gỗ rừng trồng sẽ tăng, do diện tích rừng trồng tăng. Khai thác gỗ từ rừng trồng sơ bộ năm 2022, toàn tỉnh đạt 386.420 m3, tăng 1,96% so với năm trước.

Sản lượng củi khai thác năm 2022 là 420.000 ste, tăng 0,57% so với năm trước. Rừng trồng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, làm thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, cải thiện môi trường sinh thái.

trong-rung-2-20211114200543-1672822425.jpg
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk kiểm tra tiến độ trồng rừng tại các hộ giao khoán.

Báo cáo tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, diện tích đất rừng của tỉnh Đắk Lắk hiện có 501.206 ha (trong đó: rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha); diện tích đất chưa có rừng có 232.423 ha (bao gồm 8.568 ha đã trồng chưa thành rừng). Độ che phủ rừng ước tính đạt 38,35% (giữ nguyên so với năm 2021), công tác trồng rừng đạt 151,6% so với với kế hoạch.

Trong năm 2022, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.220 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (trong đó có 786 vụ phá rừng, 56 vụ khai thác rừng trái phép, 145 vụ vận chuyển trái pháp luật gỗ, lâm sản…), giảm 85 vụ (tương đương 6,5%) so với cùng kỳ năm trước. Đã xử lý 1.063 vụ (bao gồm cả các vụ tồn năm 2021 chuyển sang), trong đó xử lý hành chính 1.046 vụ; hình sự 17 vụ; tịch thu: 143,77 m3 gỗ các loại và 170 phương tiện các loại; tổng các khoản thu hơn 2,2 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 1,8 tỷ đồng.

Năm 2023, lực lượng Kiểm lâm tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; quyết tâm bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh chuyển tiếp 2.000 ha, trồng rừng mới 1.817 ha (rừng phòng hộ, đặc dụng 73 ha; rừng sản xuất 1.744 ha); trồng 200.000 cây phân tán…

Đối với công tác phòng chống cháy rừng, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm "bốn tại chỗ" và phòng cháy là chính, kiên quyết xử lý khi đám cháy mới phát sinh, báo cáo kịp thời tình hình phòng cháy, chữa cháy lên cấp trên để chủ động ứng phó trong mọi tình huống; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR, kịp thời thay mới, sửa chữa đối với những phương tiện hư hỏng, để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt khi có cháy rừng xảy ra.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tiến hành tổ chức kiểm tra công tác PCCCR đối với các chủ rừng và địa phương, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những đơn vị lơ là đối với công tác này; tuyên truyền rộng rãi đến người dân về việc chung tay bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng... Cùng với đó, duy trì lực lượng chốt chặn, tuần tra phát hiện cháy rừng ở các địa bàn; tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin cháy rừng khi cảnh báo cháy rừng mức độ IV và V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm); bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện để xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

Thi Nguyên (t/h)