Đại tá Nguyễn Đăng Giáp “chơi thơ”

“Cho tình tới đỉnh cho đời thăng hoa…”. Với tôi, Nguyễn Đăng Giáp là người anh đồng hương. Tôi biết đến anh bởi hai câu thơ mà nhiều người xứ Nghệ đều thuộc: “Đi từ cát bạc cồn khô/ Mà nay đã lấy bờ Hồ làm quê”. Rồi tôi cũng có dịp gặp anh qua các cuộc giao lưu đồng hương xứ Nghệ ở Hà Nội.
photo-1923-resize-1658569059.jpg

Tôi lấy công việc, sự sáng tạo và đấu tranh cho lẽ phải, cho những người nghèo làm hướng đi của cuộc đời mình”- Nguyễn Đăng Giáp

Chúng tôi “bén duyên” vì có một số điểm tương đồng, tôi nhìn thấy thân phận của mình trong những câu thơ của anh. Tôi được xếp vào hàng “đồ gàn” thích chữ nghĩa còn anh thì thích “chơi thơ”.

Anh bảo tôi: Nghe chúng nó nói, anh vào đọc trang của chú, thấy ngang tàng, trí tuệ, đúng chất đồ Nghệ. Rồi anh mời tôi tham gia cuộc ra mắt sách “Như tôi đã sống”, tự truyện bằng thơ lục bát chả giống ai. Điều kỳ lạ là trong cuộc ra mắt đó có mặt của những tướng lĩnh hàng đầu trong cả nước, nhiều vị đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh như tướng 4 sao Phạm Văn Trà, tướng 2 sao Khuất Duy Tiến và nhiều nhân sỹ danh tiếng khác.

Xuất thân từ mảnh đất nghèo khó ra Hà Nội, dân xứ Nghệ có nhiều người thành đạt, không chỉ trên quan trường mà còn cả thương trường… Những người có tiền đua nhau chơi nhà, chơi xe và chơi golf, nhưng với Nguyễn Đăng Giáp lại khác, anh chơi… thơ. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, người chơi thơ dạng làng nhàng thì đầy, nhưng chơi thơ để tỏa sáng, để sang trọng, để được nhiều người biết đến là điều không dễ. Dĩ nhiên là Nguyễn Đăng Giáp không lựa chọn sự dễ dãi.

Tự truyện của anh “Như tôi đã sống” được Nhà báo Duy Tường, Tổng biên tập báo Cựu chiến binh chắp bút với sự tham gia chính sửa nhiều lần của anh và những nhà báo có nghề, tự truyện ấy đã đến với hàng ngàn bạn đọc và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt là những người mới từ quê ra phố lập nghiệp. Rồi cuốn “Như tôi đã sống” đến với Mai Thanh Hải (1982), thiếu tá quân đội đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Đọc và cảm nhận được sự hấp dẫn của từng trang viết, Mai Thanh Hải đã đề nghị anh Giáp được chuyển thể tự truyện ấy thành thơ.

Mai Thanh Hải tâm sự: “Văn học nước nhà đã chứng kiến sự “hợp duyên” giữa Đại thi hào đất Việt - Nguyễn Du với Thanh Tâm Tài Nhân - văn hào Trung Quốc để có được Truyện Kiều…” liên tưởng đến sự hợp duyên này, Mai Thanh Hải đã tự nguyện chuyển thể “Như tôi đã sống” từ văn xuôi thành thơ thể lục bát.

Cổ nhân nói: “Kiến dị - tác nan” - nhìn thì dễ, làm thì khó. Mai Thanh Hải sau những nỗ lực hết mình, chưa tới đích đã thấy oải, phải nhờ sự tiếp sức của Nguyễn Mỹ Hạnh, Duy Tường và chính Nguyễn Đăng Giáp là nhạc trưởng “tổng thầu” để làm nên công trình đồ sộ, trường ca “Như tôi đã sống” với 3678 câu thơ lục bát gồm 8 chương. Dành mấy ngày nghỉ để đọc hết “Như tôi đã sống” tôi bỗng nhớ tới mấy câu thơ của Eptusenco, nhà thơ Nga nổi tiếng: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời /Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đồng cảm với quan điểm này, ông nói: Nguyễn Đăng Giáp là một hiện tưởng điển hình của đất nước, từ một chiến binh, rời vũ khí, cầm lấy công cụ của người thợ xây tạo dựng nên những công trình, rồi trở thành doanh nhân để lại dấu ấn bằng những công trình có mặt khắp mọi miền của Tổ quốc… Với Nguyễn Đăng Giáp, cuộc đời của anh không hề tẻ nhạt, hơn thế là một bản trường ca hào hùng của một người “Đi từ cát bạc cồn khô…” rồi nhập ngũ tham gia chiến đấu ác liệt trên những cung đường Trường Sơn thời mưa bom bão đạn.

Anh cũng là một trong những người có 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, là một trong số những người thoát ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt, những rủi ro trên các chặng đường để rồi trở về nguyên vẹn, tham gia vào cuộc hồi sinh của nền kinh tế sau nhiều năm mê sảng trong một học thuyết giáo điều lại bị chiến tranh tàn phá.

Trần Đăng Khoa đã có sự ví von khá hay: Thơ ca, nghệ thuật như người đẹp, thế mới gọi là “Nàng thơ”. Tình yêu với “Nàng thơ” là cuộc chơi trốn tìm. Nhiều người mải miết đi tìm nhưng rồi không có được nàng, nhưng với Nguyễn Đăng Giáp lại khác, khi anh từ chiến trường về dấn thân vào thương trường thì “nàng thơ” lại tìm đến chỉ vì sự tài hoa của anh. Thơ đến với Nguyễn Đăng Giáp như sự tự nhiên, thi vị hóa những giông bão cuộc đời để thành ca từ.

Mai Thanh Hải lại có nhận định khác: Trong con người Nguyễn Đăng Giáp luôn có sự hòa quyện giữa sự anh dũng kiên trung trên chiến trường và sự rung động mẫn cảm của một trái tim người nghệ sỹ và sự lạnh lùng, tài thao lược trên thương trường.  Khi cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì anh dũng đến quên mình; khi nhập cuộc vào thương trường thì thông minh tài trí và khi bước chân vào con đường nghệ thuật thì cũng cháy hết mình với những câu thơ gan ruột “lửa đã thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi”…

“Như tôi đã sống” là pho lịch sử bằng thơ ghi lại mỗi chặng đường ngọt bùi cay đắng, gian nan và vinh quang, từ người lính đến anh hùng, từ khó khăn, gian khổ đến tầm doanh nhân thế giới, về nhân tình thế thái, về những thăng trầm, những được mất hơn thua mà ông đã trải qua.

Không ai sinh ra đã là anh hùng, không ai sinh ra đã là doanh nhân, không ai sinh ra đã là nhà thơ nhưng rồi lịch sử đã tạo ra những cuộc thử thách để rồi tình yêu quê hương đất nước được thổi bùng lên trong con người Nguyễn Đăng Giáp… Niềm đam mê, cháy hết mình, dâng hiến tuổi xuân không toan tính đã tạo nên con người của Nguyễn Đăng Giáp hôm nay. “Cảm xúc mùa hạ” là một trong những bài thơ hay của anh, trong đó có những câu khắc họa sinh động cuộc đời của một người từ lính đến doanh nhân:

Những mùa hè đi qua chiến trận, thương trường/Nghiêng ngả tháng ngày viết thành thơ và nhạc/Gửi lại cho đời những lời ca tiếng hát/Như mùa sen gọi gió dẫu phong trần…”

Nửa thế kỷ rời ghế nhà trường, vào lính, làm doanh nhân, nhà thơ, ông đã trải qua rất nhiều những cung bậc cảm xúc và thăng trầm trong cuộc sống. Trong chiến tranh, anh đã từng trải qua chiến trường ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia như anh từng nói: “Chúng tôi đã đến được những nơi cần đến” mà vẫn nguyên vẹn trở về.

Trải qua mọi khó khăn thử thách hay lúc trên đỉnh vinh quang, thơ chính là nơi anh gửi gắm niềm tin, ý chí, quyết tâm, là nơi cân bằng trạng thái cảm xúc để tiếp thêm nghị lực trong cuộc sống, trên chiến trường cũng như trên thương trường khốc liệt để rồi đúc kết được nhiều bài học từ thực tiễn cuộc sống đa sắc mà để có tư duy kỹ trị cũng như triết lý cuộc đời:

Nghìn năm sau những cuộc cờ/Biết ai hậu thế để thơ tương phùng?/Thi nhân thỏa chí anh hùng/Văn chương xin gửi đến cùng tri ân?/Kiếp này sống để hiến dâng/Lập thân, lập đức lập công rạng ngời/Hy sinh, cống hiến một thời/Cho tình tới đỉnh cho đời thăng hoa/Mai này về với ông cha/“Như tôi đã sống” bài ca kiếp người."

Trường ca “Như tôi đã sống” được in trên giấy tốt, trình bày đẹp, trang trọng. Hơn thế là 3678 câu thơ chắt lọc từ nguồn cảm ứng dạt dào của của một người anh hùng từ chiến trường đến thương trường. Thơ là một sân chơi rộng lớn thu hút hàng triệu người chơi, nhưng chơi thơ được như Nguyễn Đăng Giáp, có mấy người!./.

 

Phan Thế Hải