Cựu giám đốc VietABank và nhiều cá nhân bị truy tố vụ “siêu lừa đảo” chiếm đoạt 433 tỷ đồng tại 3 ngân hàng

Ngày 6/12, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng bổ sung vụ án Nguyễn Thị Hà Thành thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của NCB, PVcomBank và VietABank.

Sau 6 tháng tòa trả hồ sơ, VKS đổi tội danh truy tố đối với 2 bị can Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Á) cùng thuộc cấp Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô), từ tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, VKS truy tố thêm Nguyễn Giang Hòa về tội danh cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, Hà Nội) và 25 bị cáo khác bị cáo buộc về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

18 trong 26 bị can là cựu cán bộ của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcomBank).

hug-1642-2819-1670312776.jpg
Nguyễn Thị Hà Thành (bên phải) cùng nhóm bị cáo tại tòa. (Ảnh: tienphong.vn)

Theo cáo trạng, do làm ăn thua lỗ nên giai đoạn 2016-2018, Nguyễn Thị Hà Thành nhiều lần vay tiền của nhiều cá nhân với lãi suất cao. Thời gian đầu, Thành trả nợ đúng hạn tạo được lòng tin và dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn.

Do vậy, các ngân hàng đều coi Thành là khách hàng “VIP” nhưng thực tế đối tượng này không hoạt động kinh doanh, chỉ vay tiền người sau trả người trước. Từ ngày 5/6/2018 – 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Từ đó, bị cáo nhiều lần gian dối, chiếm đoạt 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và các cá nhân.

Tại VietABank, VKS xác định từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018, Thành vay tiền của nhiều cá nhân, và cấu kết với Quản Trọng Đức, Nguyễn Mai Phương và một số cán bộ yêu cầu nhà băng phát hành thêm các hợp đồng tiền gửi trái quy định.

Ngoài ra, để vay được tiền tại VietABank, Thành đề nghị đại diện chi nhánh ngân hàng ký các loại giấy tờ, giấy xác nhận tạm khoá tài khoản. Sau đó, bị can giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VietABank gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của 4 cá nhân.

Tại ngân hàng NCB, Thành đề nghị vay ông Đặng Nghĩa Toàn (quận Hoàn Kiếm) bằng hình thức ông Toàn và vợ gửi tiền vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho bị cáo quản lý. Ngược lại, Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài 4,2% một tháng. Khi đến hạn sẽ trả sổ tiết kiệm cho ông Toàn để đến ngân hàng rút tiền gốc, còn lãi suất Thành được hưởng.

Có sổ trong tay, Thành cùng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ và được ngân hàng NCB ba lần giải ngân 47,5 tỷ đồng. Số tiền này Thành trả nợ, chi tiêu cá nhân.

Tại PVcomBank, tháng 10/2018, Thành vay của ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức tương tự. Thành và Tùng làm giả các chứng từ, giả chữ ký, dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn để chiếm đoạt của PVcomBank 49,4 tỷ đồng.

Tổng thiệt hại của vụ án được xác định lên đến hơn 433 tỷ đồng.

Văn Minh