"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín": Cuốn tiểu thuyết có góc nhìn khác và mới mẻ hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam

Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tại lễ ra mắt cuốn sách "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (chiều 18/6) của tác giả Nguyễn Một, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Liên Việt Books ấn hành.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết trọn vẹn về chiến tranh nhưng với cách nhìn khác và mới mẻ hơn. Trong tiểu thuyết, người trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là người Mỹ hầu như không hiện diện. Nhà văn Nguyễn Một đã thông qua sự xuất hiện dày đặc các nhân vật trong tiểu thuyết khiến cho người đọc liên tưởng đến một xã hội thu nhỏ, mỗi một nhân vật, từ người bình thường, người lính, đứa trẻ con cho đến những người có vị trí nào đó khi chiến tranh đi qua họ thì tất cả tính cách, con người, số phận, nỗi giày vò của họ được hiện lên.

Có thể nói, chiến tranh đi qua và xé nát tất cả cuộc đời các nhân vật trong đó: tình yêu, quan hệ, gia đình, những giấc mơ và bao nhiêu điều khác nữa. Cách viết của Nguyễn Một đẩy người đọc vào trong chính cuộc chiến này như họ chính là nạn nhân, là người tham gia chống lại cuộc chiến... dù không tham dự trực tiếp vào cuộc chiến này.

nha-van-nguyen-mot-1687198413.jpg
Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ tại Lễ ra mắt tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín".

Về bút pháp sáng tác, nhà văn  viết theo phong cách hiện thực từ góc độ chiêm nghiệm của mình. Ông chia sẻ, trong suốt những năm tháng chiến tranh, ông từng chứng kiến rất nhiều cái chết, những mảnh đời bi thảm bởi cuộc chiến. Ngay cả cha mẹ ông cũng qua đời trong chiến tranh. Cha ông bị trúng đạn khi mẹ mang thai ông mới được 3 tháng. Còn người mẹ của ông qua đời vì đạn bắn khi ông mới là cậu bé 4 tuổi. Chính những ký ức đau thương về chiến tranh đã thôi thúc ông viết về những thân phận con người trong và sau cuộc chiến.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất chiến tranh liên miên, chứng kiến nhiều cái chết hằng ngày của người dân và cả gia đình mình. Chiến tranh đã ám ảnh tôi mãi. Sau này, tôi đã thấm nhuần tinh thần yêu thương và tha thứ. Tôi thấy rằng, chúng ta cần biết quá khứ để ứng xử với tương lai. Lịch sử là thứ không thay đổi được, đừng để lịch sử giày vò tương lai chúng ta”, nhà văn Nguyễn Một trải lòng.

Nhà văn Nguyễn Một từng rất thành công với hai cuốn tiểu thuyết Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời bằng phong cách huyền ảo, nhưng lần này ông quyết định đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả.

nha-van-1687198478.jpg

Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” được phát hành lần đầu với 2.000 bản, trong đó, 100 bản đặc biệt được in ấn, hoàn thiện

công phu bằng chất liệu giấy mỹ thuật và 16 bức minh họa màu chính là lời tri ân mà tác giả dành tặng bạn đọc

Dự lễ ra mắt tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín", Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam - ông Saadi Salama gửi lời chúc mừng dành cho nhà văn Nguyễn Một với tư cách là một người bạn thân thiết và gần gũi với các nhà văn Việt Nam. Ông nói: “Tôi luôn theo dõi văn học Việt Nam, về những tác phẩm viết vào những năm 30 của thế kỷ trước, các tác phẩm hậu chiến và đó chính là "món ăn tinh thần" giúp tôi hiểu hơn về đất nước Việt Nam. Đọc tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín"của nhà văn Nguyễn Một cũng như tác phẩm trước đó về chiến tranh ở Việt Nam của tác giả khác đã truyền động lực, niềm tin mạnh mẽ về tương lai hòa bình của đất nước chúng tôi”.

Nhà văn Nguyễn Một (1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh - tác giả của những cuốn sách dành cho thiếu nhi như "Hoa dủ dẻ", "Năm đứa trẻ xóm đồi", "Long lanh giọt nắng", "Múa trái chín"… ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Ngoài sự nghiệp "cầm bút", ông còn là Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn THACO.
Gia Bảo