Tính đến thời điểm hiện tại, cả 2 xã nói trên đều đạt toàn bộ 19 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020; trong đó, một số tiêu chí, chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao, mang tính bền vững như: tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, sử dụng điện an toàn, nước sạch, giao thông , tổ chức sản xuất, môi trường…
Trong phát triển kinh tế, ông Võ Thành Nhứt, Chủ tịch UBND xã Trường Thắng cho biết, xã đã tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo; đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn và nâng cao trình độ của người dân cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất để nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ở Trường Thắng hiện nay đã giúp lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người qua từng năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Trường Thắng là 56,56 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,47%.
Tại xã Đông Thuận, tuy là xã vùng sâu của huyện Thới Lai nhưng đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã cũng đạt 57,32 triệu đồng, cao hơn tiêu chí nông thôn mới nâng cao (56 triệu đồng). Xã hiện chỉ còn 10 hộ nghèo, tỉ lệ 0,48%.
Ông Trịnh Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Đông Thuận cho biết, tính đến tháng 10/2021, xã đã thành lập được 53 tổ hợp tác sản xuất và một hợp tác xã với diện tích cánh đồng lớn bình quân 2.000 ha/vụ. Việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giúp nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu các xã tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất từ các thành viên trong hội đồng, hoàn thiện báo cáo, nhận định rõ kết quả đạt được và hạn chế để đề ra kế hoạch, giải pháp nâng chất toàn diện các tiêu chí. Đối với các tiêu chí, chỉ tiêu người dân chưa hài lòng cần tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng khắc phục, hoàn thiện theo hướng tốt nhất.
Đối với các tiêu chí tuy vượt nhưng chưa cao như thu nhập bình quân, tổ chức sản xuất… ông Nguyễn Ngọc Hè đề nghị 2 xã cần cố gắng nâng cao, nâng chất hơn nữa; đồng thời, cần có lộ trình, điều chỉnh trong cách thức, giải pháp để có kế hoạch phấn đấu trong thời gian tới được tốt hơn.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu, thời gian tới, xã Trường Thắng và Đông Thuận cần tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn, phải làm sao phát huy lợi thế từ đất nông nghiệp, sản xuất gắn với dịch vụ và du lịch nông thôn, phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cũng trong ngày 18/11, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã ký Quyết định số 3399/QĐ-UBND và Quyết định số 3400/QĐ-UBND công nhận xã Trung Hưng và xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Cần Thơ, đến nay, 14/36 xã ở Cần Thơ có quyết định công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Dự kiến, đến hết năm nay sẽ có thêm 3 xã được công nhận, gồm xã Trường Thắng, xã Đông Thuận (huyện Thới Lai) và xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh)./.