Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Nhiều cách làm mới, hiệu quả

Tiếp tục triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phát triển thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân.
img-4427-1680794199.jpg

Ngày 6/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; đồng chí Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp...

Nhân dân đã chủ động tiếp cận, chủ động sử dụng hàng Việt

Công tác thông tin, truyền thông là một trong những trụ cột, trọng tâm trong quá trình triển khai Cuộc vận động. Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hình thức, chương trình truyền thông phong phú, nội dung đổi mới, cách làm sáng tạo, vận động bằng nhiều hình thức lồng ghép; tiếp tục mở các chuyên mục nhận biết "hàng thật, hàng giả"; "Tự hào hàng Việt", ban hành tài liệu Hỏi - Đáp về Cuộc vận động... nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

Các hoạt động thông tin, truyền thông đã tập trung giới thiệu, tôn vinh những sản phẩm Việt Nam chất lượng cao; các giải pháp tăng sức cạnh tranh của hàng Việt... đồng thời lan tỏa các mô hình, cách làm hay của các đơn vị, các điển hình trong thực hiện Cuộc vận động; đấu tranh, phê phán các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hình ảnh của doanh nghiệp Việt trên môi trường trực tuyến.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các Bộ, ngành, hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên đề như: “Liên kết hành động vì hàng Việt”, “Liên doanh, liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; tổ chức các chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; “Tự hào thương hiệu Quốc gia”; Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam”.... có tác động lan tỏa ảnh hưởng của Cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tiêu dùng hàng Việt cũng như thay đổi ý thức của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã và sức cạnh tranh của các thương hiệu Việt.

Từ việc vận động người dân dùng hàng Việt, giờ đây nhân dân đã chủ động tiếp cận, chủ động sử dụng hàng Việt khi mua sắm hàng hóa.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết, năm 2022 các đơn vị, địa phương đã tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam”... đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đến người tiêu dùng theo tinh thần của Chỉ thị số 03CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương. Từ đó giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa nội địa chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý trở thành điểm nhấn trong thực hiện Cuộc vận động.

Điển hình như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần đầu tiên tổ chức 22 Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại 22 tỉnh, thành phố, thông qua đó đã giới thiệu nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp Việt đến đông đảo đoàn viên, người lao động. Ước tính “Chợ Tết Công đoàn” đã phục vụ cho trên 250.000 lượt đoàn viên, người lao động tới tham quan, mua săm và trải nghiệm ưu đãi tại các gian hàng; tổng giá trị ưu đãi, giảm giá các mặt hàng dành cho người tiêu dùng tại “Chợ Tết Công đoàn” năm qua lên tới 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương các địa phương đã tổ chức và tiếp nhận theo dõi khoảng 300 đợt bán hàng Việt về nông thôn với khoảng 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 60.000 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại khoảng 20 tỷ đồng; tổ chức thực hiện, tiếp nhận theo dõi khoảng 200 hội chợ, triển lãm, doanh thu bán hàng khoảng hơn 300 tỷ đồng và 70.000 đợt khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại khoảng 800 tỷ đồng. 

hang-viet-1680794222.jpg

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường; phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo vệ người tiêu dùng cũng ghi nhận nhiều kết quả, cách làm hay.

Các ban, bộ ngành đã chủ động, luôn bám sát vào định hướng chính trị của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng sau dịch bệnh Covid-19; tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ mới liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu như: Tuyên truyền quảng bá thương hiệu ngành hàng, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở thị trường ngoài nước; hỗ trợ gần 4000 doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác là Sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu.

Các ban, bộ ngành Trung ương tiếp tục chỉ đạo, thực hiện chính sách quy định ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ sản xuất trong nước, mua sắm trong các cơ quan nhà nước; chủ động thực hiện các giải pháp nhằm ưu tiên sử dụng dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được thay thế hàng nhập khẩu. Nhiều đơn vị đã đưa nội dung sử dụng hàng hóa trong nướcsản xuất được vào công tác xây dựng kế hoạch hàng năm để sử dụng các sản phẩm trong nội bộ của Tập đoàn, Tổng công ty và sản phẩm của các doanh nghiệp khác trong nước. Điển hình là các doanh nghiệp trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022; tổng giá trị sử dụng hàng Việt Nam trong đầu tư, sản xuất kinh doanh hơn 475 tỷ đồng, tổng giá trị thỏa thuận, hợp đồng đã thực hiện sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau tại các doanh nghiệp trong Khối hơn 1.094 tỷ đồng.

Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nêu rõ, năm 2022, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2002 khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Cuộc vận động đã được triển khai rộng rãi hơn, quán triệt sâu sắc hơn đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

img-4425-1680794248.jpg
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cuộc vận động góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đánh giá rất cao khi trong bối cảnh khó khăn nói chung, Cuộc vận động đã giúp tiêu thụ hàng hoá và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đồng thời nhấn mạnh Cuộc vận động đã đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu đến mọi vùng, miền đất nước.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả triển khai Cuộc vận động, năm 2023, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động xác định tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. Đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tô chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã thảo luận, góp ý với Kế hoạch triển khai Cuộc vận động năm 2023 của Ban chỉ đạo nhằm thúc đẩy hiệu quả Cuộc vận động. Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ mở kho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể được tiếp cận với các đề tài nguyên cứu, từ đó điều chỉnh, thay đổi, ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác phòng chống hàng nhái hàng giả, giữ được uy tín chất lượng hàng Việt, từ đó có cơ sở để vận động vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt...

Tán thành với Kế hoạch triển khai Cuộc vận động năm 2023 của Ban chỉ đạo và các ý kiến thảo luận, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo cho rằng, cùng với các văn bản khác của Đảng, Nhà nước, cần bám sát hai văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động hơn nữa.

Thứ nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%; điều này sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới đã nêu rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động tham gia hơn nữa vào Cuộc vận động.

img-4437-1680794281.jpg
Đồng chí Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nhấn mạnh, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo cuộc sống người dân.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, phổ biến rộng rãi, rà soát, bổ sung kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; trong đó cần lưu ý những chính sách phù hợp với luật pháp, cam kết quốc tế mà vẫn thúc đẩy được sản xuất, tiêu dùng trong nước.../.