Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 - 12/11 tại thành phố Glasgow, Scotland là dịp quan trọng để các nước đưa ra cam kết và giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Đối với Việt Nam, các chuyên gia năng lượng cho rằng, cần đánh giá lại các dự án, đặc biệt là với nhiệt điện than và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ để đảm bảo các cam kết của Đảng và Nhà nước về tăng trưởng xanh.
*Nhìn lại điện than
Theo số liệu tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ước tính từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi hàng chục tỷ USD/năm để phục vụ việc nhập khẩu than và khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Với tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là nguồn khí nhập khẩu, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá nền năng lượng Việt Nam sẽ bị trói buộc với thị trường nhiên liệu thế giới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động. Các kịch bản về giá khí đốt đang được xem xét trong Quy hoạch điện VIII, nếu không được đánh giá kĩ lưỡng, nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam vào thế bị động phải tiếp tục huy động nguồn điện sử dụng nhiên liệu hết sức đắt đỏ.
Theo đánh giá từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), dự thảo có xây dựng danh mục dự án điện than ưu tiên, là những dự án được đánh giá là chắc chắn xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn ngắn hạn 2021-2025. Tuy nhiên, đánh giá như vậy là chưa đủ căn cứ, bởi lẽ danh mục dự án ưu tiên của dự thảo có liệt kê 21 dự án điện than (đều kế thừa từ Quy hoạch điện VII).
Qua rà soát cho thấy, khoảng 70% dự án chậm tiến độ; trong đó, có những dự án đã được đưa vào từ Quy hoạch điện VI (2006-2010) và tiếp tục điều chỉnh tiến độ ở Quy hoạch điện VII (2011-2020) nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC cho hay, khả năng huy động vốn cho điện than ngày càng khó khăn. Các quốc gia, ngân hàng và tổ chức tín dụng lớn trên thế giới đã và đang đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc dừng đầu tư vào nhiệt điện than và xu hướng này sẽ tiếp tục, thậm chí trở nên trầm trọng hơn trong tương lai sắp tới.
Cùng với đó, việc huy động vốn cho các dự án điện khí cũng đang dần trở nên khó khăn do các ngân hàng chuyển dịch nguồn vốn khỏi các dự án nhằm đạt được các cam kết về cắt giảm khí hóa thạch. So với than, khí được cho là nguồn nhiên liệu “sạch”, tuy nhiên cần lưu ý việc khí cũng là nguồn hóa thạch gây nên khí thải tạo ra hiệu ứng nhà kính. Do đó, việc đảm bảo tiến độ tài chính và vận hành các dự án điện khí dự kiến sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời gian sắp tới.
Cùng quan điểm trên, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris.
Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện với tỷ trọng cao sẽ gia tăng phụ thuộc nguồn than, khí nhập khẩu và đặt ra rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo vẫn chưa được Việt Nam khai thác tối đa. Điện gió ngoài khơi cũng chưa được triển khai và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này cũng khá đa dạng, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
*Năng lượng tái tạo vẫn là “ẩn số”
Theo nhận định từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu GWEC, hiện nay vẫn chưa rõ cách thức triển khai đối với nguồn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII thế nào.
“Dự thảo đã quy định cụ thể danh mục dự án đối với các nguồn điện than, khí, thủy điện, năng lượng mới, chỉ trừ nguồn điện gió và điện mặt trời, mới chỉ quy định khối lượng điện phân theo vùng. Với điện gió và gió ngoài khơi, nhà đầu tư thường mất nhiều thời gian để chuẩn bị từ khâu tìm hiểu thị trường, khảo sát, đánh giá tiềm năng và triển khai xây dựng. Chính vì vậy, việc Quy hoạch chưa đưa ra danh mục dự án và cách thức triển khai cũng như chưa làm rõ kế hoạch ngắn hạn và trung hạn sẽ gồm các nội dung gì; danh mục kế hoạch đầu tư nguồn điện sẽ được xây dựng như thế nào, sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc chuẩn bị và lập kế hoạch đầu tư của mình”, GWEC nêu rõ.
Bà Ngụy Thị Khanh cho hay, ngoài “ẩn số” về chính sách thì Dự thảo Quy hoạch Điện VIII chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác nguồn năng lượng có chi phí nhiên liệu không đồng này.
Tại Nghị quyết 55/NQ-BCT năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã yêu cầu xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Tuy nhiên, dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa thể hiện rõ được định hướng nêu trên. Tỷ lệ điện gió ngoài khơi trong tổng nguồn điện từ nay đến năm 2030 (0 GW theo kịch bản thấp, 2 GW theo kịch bản cao) hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam và cũng không đủ hấp dẫn về mặt quy mô để giúp thu hút các nhà đầu tư, đồng thời tạo dựng thị trường, chuỗi cung ứng cho ngành điện gió. Quan trọng hơn, sự không rõ ràng về cả cơ chế chính sách và định hướng triển khai sẽ là yếu tố làm giảm sự hấp dẫn của thị trường điện gió ngoài khơi trong giai đoạn tới, bà Khanh nhận định.
Để giải quyết những vấn đề trên, theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, thời gian tới, có thể khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được khoảng 20% công suất hệ thống, kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thuỷ điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong, pin lưu trữ... và nâng cao khả năng điều khiển hệ thống điện cho các Trung tâm Điều độ.
Bên cạnh đó, ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ, có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác, các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước…
Đối với điện gió, ông Hùng lưu ý, việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - vận hành. Mục đích cuối cùng là không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.
Với các dự án điện gió ngoài khơi, ông Hùng cho rằng, cần chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế về chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và hệ thống hạ tầng lưới điện giải toả công suất được chuẩn bị sẵn sàng.
Bộ Công Thương mới đây cũng đã chính thức trình Chính phủ Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); trong đó đặt ra cơ cấu cụ thể các nguồn điện. Dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt từ 130.371-143.839 MW. Trong đó, nhiệt điện than chiếm từ 28,3-31,2%, nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm từ 21,1-22,3%; thuỷ điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm từ 17,73-19,5%; nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện sinh khổi) chiếm từ 24,3-25,7%, nhập khẩu điện chiếm từ 3-4%.
Hội nghị COP26 là dịp quan trọng để các nước; trong đó có Việt Nam đưa ra cam kết và giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Chính quyền Mỹ trong năm 2021 đã đưa ra cam kết xây dựng 30 GW điện gió ngoài khơi trước năm 2030, đồng thời tăng tỷ trọng điện mặt trời từ 4% lên 40% trước năm 2035. Gần đây nhất, Trung Quốc, vốn là quốc gia có hơn 50% sản lượng điện đến từ nhiệt điện than đã đưa ra cam kết ngừng đầu tư vào các dự án điện than mới trên toàn cầu, cũng như đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải trong nước vào năm 2030.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Quy hoạch Điện VIII nằm trong nhóm các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất ràng buộc, định hướng cho tương lai chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, do đó, những tính toán, chính sách sẽ có tác động rất lớn đến việc phát triển năng lượng xanh, sạch trong tương lai…/.