Cụ thể, Công ty An Sinh bị xử phạt 825 triệu đồng vì thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải chuẩn cho phép từ 1,1 đến dưới 1,5 lần.
Công ty bị phạt 70 triệu đồng do không duy trì hoạt động hệ thống định vị vệ tinh (GPS) trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại.
Ngoài 2 vi phạm trên, Công ty An Sinh còn bị xử phạt 55 triệu đồng do hành vi không cung cấp tài khoản theo dõi thiết bị định vị vệ tinh của phương tiện vận chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát, quản lý theo quy định.
Công ty An Sinh còn bị xử phạt vì các lỗi: không lập sổ theo dõi số lượng, chất lượng, nguồn tiêu thụ của các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải nguy hại theo quy định; không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải theo quy định; không thực hiện chương trình giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được cấp.
Về biện pháp khắc phục, Công ty An Sinh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và chi trả hơn 51 triệu đồng kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường theo quy định.
Với các vi phạm trên, Công ty An Sinh phải nộp phạt số tiền là hơn 1 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty An Sinh được Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (CTNH). Theo đó, giấy phép hành nghề quản lý CTNH của Công ty Môi trường An Sinh có Mã số QLCTNH:1-2-3-4.024.VX và được phép xử lý 327 mã chất thải.
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như sau:
Hình thức xử phạt chính:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính như: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Đình chỉ mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý cho đến khi hết thời hạn xử lý…
Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định; Tạm dừng các công việc có liên quan tới những hoạt động xả chất thải của doanh nghiệp.
Thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.