Có một Đô đốc Hải quân như thế

Giáp Văn Cương là một Thượng tướng Đô đốc hải quân tài giỏi, có tầm nhìn xa trông rộng. Tất cả những gì ông dự báo và nhận định thì thực tế ngày nay đều đúng và đang xảy ra diễn ra trên Biển Đông. Ông là một người lính và cũng là một vị Tư lệnh đầy mưu lược và thao lược.
20180129085055-16a-1658569681.jpg
Đô đốc Giáp Văn Cương gặp gỡ chiến sĩ công binh xây dựng đảo Tiên Nữ. Ảnh tư liệu

Ông lăn lộn với biển đảo của Tổ Quốc, ông trăn trở về sự vẹn toàn của biển đảo nên ông đề xuất nhiều phương án kỹ thuật để xây dựng mở rộng quần đảo Trường Sa. Ông thương yêu các chiến sỹ xa nhà đằng đẵng ngày đêm bám biển đảo để giữ đảo thân yêu của Tổ Quốc.

Các chiến sĩ ở đây không ai gọi ông là Thủ trưởng mà gọi ông là "Bố" một cách trìu mến gần gũi thân thương. Có một lần ra đảo trong cuộc gặp mặt chiến sỹ đang giữ đảo, ông hỏi: "Các đồng chí có đề đạt yêu cầu gì không?". Một chiến sĩ trẻ đứng lên ngập ngừng một lúc mới dám nói: "Thưa Bố, chúng con có một nguyện vọng, nói ra Bố không được cười hoặc đánh giá tư tưởng chúng con nhé" ông cười hiền hậu thân mật động viên chiến sĩ trẻ cứ mạnh dạn nói ra.

Chiến sĩ trẻ đó được Bố động viên lấy lại bình tĩnh nói: "Lần sau Bố ra đảo Bố nhớ mang theo ra một cô gái để cho chúng con được nhìn thấy phụ nữ nhé vì mấy năm nay chúng con chưa được về nhà, chưa được nhìn thấy phụ nữ nên rất nhớ nhà, nhớ bóng hình người phụ nữ". Ông nghẹn ngào xúc động vì sự thèm khát tình cảm bản năng của người lính dù rất đỗi bình dị. Trong điều kiện bình thường thì có lẽ không có gì đặc biệt nhưng với những người lính đảo thì sự bình thường bình dị đó lại là một mơ ước, một khát khao cháy bỏng luôn thường trực trong lòng.

Tôi có một may mắn là được gặp ông tại nhà riêng, nhà ông là một căn biệt thự cổ của Pháp trong khu tập thể quân đội ở 34 phố Trần Phú. Tướng mạo ông rất đẹp, cao to và oai phong, đồ dùng trong nhà rất đơn giản do Quân đội cấp. Giáp Văn Cương sinh ra tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Mặc dù sống trong một gia đình có điền sản (nhà có hàng trăm mẫu ruộng, giàu có nổi tiếng cả một vùng), nhưng ông đã một lòng đi theo cách mạng.

Ông từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1977, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1984 ông đã nhận định: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân Việt Nam". Trong hai năm 1986 -1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa.

Mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Kế hoạch bảo vệ Trường Sa của ông được cấp trên chấp thuận. Ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay.

Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu "kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi". Sau đó đã xảy ra sự kiện Hải chiến Trường Sa 1988 với Trung Quốc. Tháng 3 năm 1988, con tàu HQ 505 anh hùng đã lao nhanh giữa những làn đạn đại bác, ủi thẳng lên đảo Cô Lin thuộc chủ quyền Việt Nam, trước khi quân Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo. Tàu hỏng nặng, bốc cháy, nhưng nó trở thành cột mốc chủ quyền và cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đảo Cô Lin cho đến ngày nay.

Ông từng nhắn nhủ với những người lính trẻ của mình đang phải chịu đầy gian khổ trên đảo: “Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy cái hòn đá cằn cỗi này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Có phải chúng ta giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu mà là giữ biển đấy! Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc đất nước suốt từ Bắc đến Nam.

Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển vào. Thế nên chúng ta phải giữ đảo, giữ biển. Khổ mấy cũng phải giữ, có chết cũng phải giữ! Thế nên chúng ta mới phải chịu cảnh này”. Ông mất vì bạo bệnh ngày 23 tháng 3 năm 1990 tại Hà Nội. Tên tuổi ông, phong cách chỉ huy của ông, tình cảm của ông vẫn luôn in dấu trong lòng các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân./.