Chuyện về rừng lim xanh, báu vật trăm năm ở Thanh Hoá

Một rừng lim xanh có tuổi đời trăm năm ở tỉnh Thanh Hóa được người dân xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ xem là báu vật nên được bảo vệ nghiêm ngặt.
base64-16762744868531813981537-1694641532.png
Rừng lim xanh ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ được người dân xem như "báu vật" được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cây lim xanh Thanh Hóa là loài cây gỗ bản địa quý, chất lượng gỗ lim xanh nơi này nổi tiếng cả nước nhưng bị khai thác quá mức nên hiện nay số lượng còn rất ít. Tuy nhiên, tại thôn Bắc Sơn và Thái Học xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá lại có một rừng lim xanh được trồng từ thời Pháp thuộc vẫn được người dân nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành "báu vật" của dân làng.

Theo người dân xã Cẩm Tú, thì rừng lim xanh này có tuổi đời khoảng 100 năm tuổi và hiện được xem là rừng lim xanh còn lại lớn nhất tại Thanh Hoá, với diện tích 24,4 ha ở hai thôn Bắc Sơn và Thái Học.

2-7-1681968195-1694642966.jpg
Rừng lim xanh được giao cho các hộ gia đình ỏ xã Cẩm Tú để bảo vệ.

Rừng lim xanh này không chỉ là minh chứng cho nỗ lực giữ rừng của dân làng, mà còn là kỷ niệm về một thời khốn khó, từ khi người dân mới đến đây khai hoang, vỡ đất và phát triển kinh tế.

Ông Đỗ Xuân Lĩnh (66 tuổi) ở thôn Bắc Sơn xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá người được giao khoán và trông coi hơn 4 ha rừng lim xanh nói, hiện rừng lim này có gần 1.300 cây lim xanh, đường kính từ 60 - 150 cm, nhiều cây lim xanh có thân to phải 2 - 3 người lớn mới ôm xuể.

"Lim xanh thuộc nhóm gỗ quý hiếm nên được định vị từng cây. Rừng lim này được chính quyền địa phương và người dân trong làng cùng nhau bảo vệ. Người dân thôn Bắc Sơn còn lập ra hương ước, nghiêm cấm người vào rừng chặt hạ cây. Từ năm 1993, toàn bộ diện tích rừng lim xanh được giao khoán cho 9 hộ dân trông coi, chăm sóc. Hiện nay, xen lẫn trong rừng lim xanh nơi đây còn có nhiều loài gỗ như xoan, lát, sến, táu...", ông Lĩnh cho biết.

Hiện nay, mỗi năm ông Đỗ Xuân Lĩnh cùng các hộ được giao bảo vệ rừng ở Cẩm Tú đều được nhận khoản hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng đó cũng là nguồn động viên đối với ông Lĩnh và những người giữ rừng ở đây.

Sông Lô