Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt
Sáng 4/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 5-11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia có chủ đề “Đối tác cho tương lai”, được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Australia diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị là dịp để hai bên rà soát quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm 2021.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Australia và New Zealand trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến hai nước sau hơn 7 năm qua.
Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương Việt Nam – Australia và Việt Nam – New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, lao động...
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, điều đặc biệt đầu tiên của chuyến công tác chính là thời điểm. Năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm ASEAN và Australia thiết lập quan hệ, cũng là thời điểm Việt Nam vừa kết thúc một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ với Australia và chuẩn bị cho dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ với New Zealand. Đặc biệt, đây lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ ta đến thăm Australia và New Zealand trong vòng 7 năm qua, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến hai nước trên cương vị người đứng đầu chính phủ.
Điểm đặc biệt thứ hai, đó là quan hệ giữa ASEAN và Úc trong 50 năm qua rất tốt đẹp. Tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng gia tăng. Hợp tác giữa hai bên ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại, kinh tế, văn hóa - xã hội… và các lĩnh vực mới đều đang được triển khai rất hiệu quả.
Các nước ASEAN đều đánh giá rằng, Australia là một trong những Đối tác Chiến lược Toàn diện có nhiều hợp tác thực chất, hiệu quả với các thành viên của khối. Chính vì vậy, Hội nghị lần này được kỳ vọng là một dịp tốt để lãnh đạo cấp cao ASEAN và Australia cùng nhìn lại, đánh giá một cách tổng thể quan hệ giữa hai bên trong 50 năm qua, đặc biệt là quá trình triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa ASEAN và Australia được thiết lập từ năm 2021 đến nay.
Hợp tác toàn diện tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa Australia và Việt Nam
Với vai trò là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, những năm gần đây quy mô thương mại song phương Australia-Việt Nam tiếp tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác các hiệp định thương mại đa phương.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2022, thương mại song phương 2 nước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Tuy nhiên, năm 2023, con số này đạt gần 14 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 8,5 tỷ USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập siêu của Việt Nam từ Australia có giá trị 3,3 tỷ USD, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định thị trường Australia, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng với con số thống kê này năm 2023 Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu).
Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.Đáng lưu ý, Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá, chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới, quặng và các loại khoáng sản, chiếm 44,78% năm 2023.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt thông tin, hợp tác Việt Nam - Australia rất toàn diện. Bên cạnh hợp tác về kinh tế, đầu tư, Australia còn hỗ trợ Việt Nam thông qua nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, với những biểu tượng như cây cầu ở Mỹ Thuận, hay hàng nghìn học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học tại Australia, những chương trình đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ Việt Nam từ những ngày mà chúng ta còn đang phải chịu cấm vận. Có thể nói, những hợp tác đó tạo nên sự gắn kết rất chặt chẽ giữa Australia và Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều ý nghĩa. Đây là dịp để hai nước cùng đánh giá những bước phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt trong việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai bên, cũng như những thoả thuận cấp cao mà hai bên đã đạt được nhân những chuyến thăm của Toàn quyền Úc và Thủ tướng Úc đến Việt Nam trong năm 2023 và trước đó là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Australia năm 2022.
Cùng với Australia, New Zealand là một Đối tác Chiến lược quan trọng của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Quan hệ Việt Nam - New Zealand là mối quan hệ song phương có bề dày lịch sử. Năm 2025 chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với New Zealand. Trong thời gian qua, New Zealand là một đối tác đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục - đào tạo, đến các lĩnh vực về bình đẳng giới, phát triển.
"Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New Zealand đã có rất nhiều hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố. Chúng ta đã đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của New Zealand sang thăm Việt Nam và hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia và New Zealand tiếp tục tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030./.