Châu Á - Thái Bình Dương hiện đang là khu vực chiếm 3/4 lượng than đá tiêu thụ trên toàn cầu và cũng giống như nhiều nơi khác trên thế giới, khu vực này đang phải nỗ lực ứng phó với tác động về môi trường và sức khỏe của tình trạng ấm lên toàn cầu, như tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Ấn Độ, các đợt sóng nhiệt và cháy rừng chưa từng thấy ở Australia (Ô-xtrây-li-a). Dù một số quốc gia tiêu thụ than đá hàng đầu như Trung Quốc đã đưa ra những cam kết về trung hòa khí thải carbon, mở ra hy vọng về một tương lai "sạch" hơn, nhưng phần lớn các quốc gia trong khu vực vẫn ghi nhận quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch diễn ra chậm trễ.
Nhà vận động sử dụng năng lượng sạch tại Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Tata Mustasya cho rằng tốc độ hành động của khu vực chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh không còn nhiều thời gian để chần chừ. Giới phân tích cũng lo ngại những cam kết mà các quốc gia đưa ra không đủ mạnh, như các cam kết dừng xây dựng các nhà máy mới và siết chặt hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa bao gồm những dự án đã được quy hoạch. Bên cạnh đó, các nước giàu cũng chưa cung cấp đủ những biện pháp hỗ trợ, về tài chính và kỹ thuật, cho các quốc gia nghèo hơn thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.
Hiện hoạt động đốt than đá gây ra một lượng lớn khí thải carbon và đây cũng được coi là một mối nguy lớn trong hoàn thành mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu dưới 2 độ C như đã được nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tác hại từ hoạt động sử dụng than đá không chỉ làm trầm trọng tình trạng ấm lên toàn cầu mà còn làm gia tăng các nguy cơ đe dọa sức khỏe của người dân địa phương. Ô nhiễm khí thải và khói bụi dẫn tới các bệnh về hô hấp và bệnh về mắt, trong khi chất thải từ quá trình khai thác và sử dụng than đá dẫn đến ô nhiễm nguồn nước còn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sống dựa vào hoạt động khai thác thủy-hải sản.
Nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng sạch đang rất cấp thiết, nhưng khu vực này vẫn đang gặp phải nhiều thách thức. Trung Quốc, nước phát thải nhiều nhất thế giới, mới đây đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060 và tháng trước Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ dừng hoạt động đầu tư nước ngoài vào các nhà máy điện sử dụng than đá. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết chưa được công bố cụ thể, trong khi gần 60% hoạt động kinh tế của nước này vẫn dựa vào nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Trong tháng này, giới chức Trung Quốc đã phải yêu cầu các nhà máy than tăng cường sản lượng để ứng phó với tình trạng thiếu điện trên toàn quốc. Trong khi đó, Nhật Bản, một nhà cung cấp tài chính lớn cho các dự án khai thác than đá ở nước ngoài, cũng đã cam kết siết chặt các quy định về đầu tư cho các nhà máy điện ở nước ngoài nhưng sẽ không dừng các khoản hỗ trợ chính phủ.
Hiện các nước đang phát triển mong muốn nhận được những khoản hỗ trợ phù hợp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng, trong khi các nước giàu có chưa nhất trí với cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho những gói cứu trợ này. Một trong những đề nghị chính mà Ấn Độ dự định đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) sắp tới tại Vương quốc Anh là quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ấn Độ là nước tiêu thụ than đá thứ hai thế giới và đến nay New Delhi vẫn chưa công bố thời hạn đưa mức khí thải carbon ròng về 0. Chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Carlos Fernandez Alvarez cho rằng để đạt được tiến bộ, các nước giàu cần có những cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn với các nước nghèo. Không nên chỉ dừng lại ở việc đưa ra yêu cầu đóng cửa các nhà máy sử dụng than đá mà cần đề xuất những giải pháp cụ thể về chính sách, về tài chính, công nghệ...
Dù vậy, giới phân tích vẫn chỉ ra những dấu hiệu tích cực được ghi nhận trong thời gian qua. Đó là nhiều cơ quan tài chính châu Á đã dừng hoặc giảm tốc các hoạt động đầu tư cho các dự án than đá. Trung Quốc đã đề ra kế hoạch nâng mức tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc từ các nhiên liệu không phải hóa thạch từ 16-20% vào năm 2025, trong khi Ấn Độ cam kết nâng gấp bốn lần lượng điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030./.