Quảng cáo #128

“Chung tay bảo vệ trẻ em, lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”

“Chung tay bảo vệ trẻ em, lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em” được lựa chọn là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Đây là một trong những nội dung mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022.

“Đòn roi không làm trẻ nên người”

Mới đây, sự việc cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (trú tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Bông Sen đã trùm túi nilon lên đầu rồi đánh trẻ khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ. Theo đó, ngày 14/5, lớp mầm non tư thục Bông Sen đã tiếp nhận 9 trẻ nhỏ đến học. Sau khi các cháu ăn trưa xong, cô Nhung cho trẻ ngủ trưa. Đến khoảng 12h, cháu T.H.K đã tiểu tiện ra quần và khóc.

Mặc dù đã dỗ nhưng cháu bé vẫn không ngủ nên cô giáo đã lấy túi nilon màu đen trùm vào đầu cháu bé rồi dùng tay vỗ vào mông cháu 2 cái. Sau đó, cô giáo này đã bỏ túi nilon ra và đưa bé sang phòng hội trường ở bên cạnh lớp học chơi, để các cháu khác ngủ. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã Báo Đáp đã mời cô Nguyễn Thị Hồng Nhung và gia đình cháu T.H.K lên làm việc, đồng thời đưa cháu K đi khám sức khỏe. Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái và Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương xác minh làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực là trách nhiệm của toàn xã hội
Ảnh minh họa

Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội, hình phạt là 1 phần trong nghệ thuật thưởng phạt. Sai cái gì - phạt thế nào cần được quy định rõ ràng trong từng hành vi phạm lỗi. Tuy nhiên, hành vi quát, đánh, mắng… đang tồn tại trong một số gia đình và nhà trường hiện nay được diễn ra như… đòn thù.

Người lớn sử dụng lời nói để điều khiển trẻ: Trẻ không nghe lời thì nói to hơn. Trẻ vẫn không nghe thì quát. Trẻ tỏ thái độ chống đối, ương bướng thì… mắng và đánh. Rõ ràng đây là bạo hành, có tính chất trút giận chứ không phải là hình phạt và không có tính giáo dục. Trẻ bị quát, mắng, đánh… là đang bị bạo lực từ tinh thần đến thể chất – điều mà nhiều người cho rằng là một hình thức giáo dục.

Tại diễn đàn “Điều em muốn nói” tổ chức ở trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) vừa qua, bà Lê Thị Thảo, Phó Trưởng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, Tổng đài 111 nhận được rất nhiều cuộc gọi liên quan đến việc trẻ em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Trẻ cho rằng, bố mẹ không thấu hiểu con cái dẫn đến chửi mắng, sử dụng những từ ngữ khiến con tổn thương. Đặc biệt, trong thời gian học trực tuyến, số cuộc gọi liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần tăng ở lứa tuổi từ 11 đến 14 tuổi tăng gấp rưỡi so với trước. Đa số các bạn chia sẻ về những vấn đề gặp phải với bố mẹ và áp lực học hành, thi cử, bố mẹ không lắng nghe và chia sẻ với mình…

Rất nhiều vụ án bạo hành trẻ em đau lòng xảy ra từ quan niệm dạy trẻ nên người bằng đòn roi của nhiều bậc phụ huynh. Đến khi các cháu bé bị tổn thương nặng nề về thể xác, thậm chí tử vong, thì sự việc mới được lên tiếng. Điều này khiến cho nhiều người lo ngại về hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em hiện nay.

Ở nước ta, pháp luật quy định nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ các quyền của trẻ em, song các đơn vị này cũng đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Một số cơ quan, đơn vị tham gia theo kiểu “đánh trống ghi tên” hoặc thiên về bề nổi, mang tính “phong trào”, “chiến dịch”. Việc tuyên truyền về quyền trẻ em được tổ chức nhiều đợt, có quy mô lớn ở các địa phương nhưng kết quả không cao, nhận thức của người dân ít chuyển biến, nên vấn đề xâm hại trẻ em sa vào tình trạng “chống mạnh mà không giảm”. Khi xảy ra một vụ bạo lực, xâm hại trẻ em thì người nắm được thông tin lúng túng, không biết cần liên hệ với cơ quan, tổ chức nào để có kết quả nhanh nhất, bảo đảm nhất.

Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực là trách nhiệm của toàn xã hội
Ảnh minh họa

Phần lớn các cơ quan khác không thể xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em mà chuyển thông tin lên cơ quan có thực quyền. Điều này gây nên sự chậm trễ, thiếu hiệu quả, tính nghiêm minh của pháp luật bị giảm sút. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên cơ sở trong việc bảo vệ trẻ em thường là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn nghiệp vụ về công tác xã hội nên nhiều thông tin về trẻ em không được bao quát, nhiều vụ việc không được phát hiện sớm để ngăn chặn; chế độ chính sách không có hoặc rất ít.

Tăng cường bảo vệ trẻ em trước xâm hại, bạo lực

Điều 11 Luật Trẻ em quy định: “Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”.

Năm 2022, Tháng hành động vì trẻ em sẽ diễn ra từ ngày 1-30/6/2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, nhằm lan tỏa các thông điệp: “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”; “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”; “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình”; “Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi”…

Theo đó, các ban ngành, đoàn thể như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam… tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, dự kiến từ ngày 27/5 đến 1/6/2022. Bên cạnh đó, có sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống lao động trẻ em với chủ đề “Lao động trẻ em và an sinh xã hội”.

bao-hanh-tre-em-la-gi-hanh-vi-bao-luc-tre-em-so-2-1653864786.jpg
 

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cần xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 tại địa phương; tổ chức chiến dịch truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em; truyền thông về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình…

Bên cạnh đó, cần bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em; chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em… Những thông điệp mà Tháng hành động vì trẻ em lan tỏa sẽ giúp cho mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình, cộng đồng nhận thức đúng, đủ về quyền trẻ em, có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước xâm hại, bạo lực, đồng thời chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ./.

Đài Thanh