Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Nai, kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định. Đồng Nai là 1 trong 16 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương và là 1 trong 6 địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2020 đạt gần 400 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Đóng góp GRDP của Đồng Nai vào quy mô GDP quốc gia đứng thứ tư cả nước, GRDP bình quân đầu người đến năm 2021 đạt 118 triệu đồng/người. Cơ cấu lao động dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và đa dạng với hơn 1.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 303 nghìn tỷ đồng; toàn tỉnh có hơn 47 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 415 nghìn tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã quan tâm giải quyết việc làm cho hơn 52 nghìn lượt người; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83,9%, hỗ trợ các đối tượng chịu tác động bởi dịch Covid-19 hơn 93 nghìn tỷ đồng, miễn giảm thuế cho hơn 2.800 doanh nghiệp với số tiền hơn 1,34 nghìn tỷ đồng. Công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận có chuyển biến, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Quốc phòng được củng cố, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành Đồng Nai phát biểu ý kiến, tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, sát dân, sát cơ sở, đổi mới phương thức lãnh đạo. Bên cạnh những thành tựu quan trọng được nêu trong báo cáo của tỉnh, Đồng Nai còn là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2019 với 69/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục thuộc nhóm đầu cả nước. Dù nhiều dân nhập cư nhưng an ninh trật tự được đảm bảo.
Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững và có xu hướng chậm lại, chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư còn chưa tương xứng với đòi hỏi nhà đầu tư (PCI đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố). Công nghiệp phát triển nhanh nhưng tốc độ đô thị hóa lại chậm, chưa có chiến lược bài bản. Tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và dù có khoảng 1 triệu công nhân nhưng đời sống còn khó khăn, chất lượng, số lượng nhà ở xã hội không theo kịp nhu cầu.
Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đồng Nai cần có một tầm nhìn mới, khát vọng mới trong điều kiện mới hiện nay, trong điều kiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước. Nếu không có khát vọng và không giải quyết các bất cập nội tại thì Đồng Nai sẽ không có bước phát triển mới, thậm chí có thể tụt hậu trong tương lai gần.
Chủ tịch nước cho rằng, Đồng Nai cần phấn đấu trở thành nơi có ba cái "đáng": Đáng làm, đáng sống và đáng ở. “Đáng làm” là nơi có thể đem lại nhiều công ăn việc làm, thu nhập cao cho người dân. “Đáng sống” là nơi người lao động được thụ hưởng các thiết chế văn hóa, giải trí, cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Và “đáng ở” là cần có các dự án nhà ở xã hội, giúp 1 triệu công nhân có thể tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm đô thị sinh thái Thông minh AquaCity tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.