Cháy nhà ra mặt chuột

Chả cứ công nhân “choáng” vì trừ lương 4,5 triệu phí xét nghiệm COVID-19, mà toàn xã hội cũng choáng váng luôn. Một câu chuyện quá tệ và xin hỏi cơ quan chức năng nghĩ gì?
ong-phan-quoc-viet-tai-buoi-hop-bao-1-1639924597.jpg
Phan Quốc Việt lại quả ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, gần 30 tỉ đồng.

Theo truyền thông thì khi nhận bảng lương từ công ty, nhiều công nhân ở Bình Dương “choáng váng” khi bị trừ phí xét nghiệm COVID-19 hàng triệu đồng, có người bị trừ gần hết tiền lương tháng (từ 1,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng). 

Liên quan đến việc trừ lương người lao động, đại diện Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam cho biết, khi Bình Dương bùng phát dịch, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí ăn uống, chế độ làm thêm, phí xét nghiệm cả test nhanh và PCR. Đến tháng 10, Bình Dương trở về trạng thái bình thường, doanh nghiệp đã đề nghị người lao động phải tự trả phí khi xét nghiệm kết quả bằng PCR.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết công đoàn đang phối hợp với ngành chức năng để làm việc với chủ doanh nghiệp. “Cần làm rõ: Có hay không việc công ty trừ thẳng tiền xét nghiệm PCR vào lương công nhân? Việc trừ tiền lương có sự thỏa thuận giữa các bên hay không? Giá xét nghiệm có đúng thực tế bị trừ?

Theo bảng giá niêm yết của ngành y tế Bình Dương, chi phí xét nghiệm từ tháng 11 trở về trước, kết quả PCR giá 1,7 triệu đồng/mẫu đơn. Hiện nay, giá phí xét nghiệm PCR của các cơ sở y tế từ 450.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/mẫu.Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn cơ sở y tế tư nhân tại Bình Dương thu phí xét nghiệm PCR với giá 2 triệu đồng/mẫu đơn.

Vì sao Bình Dương lại thu phí xét nghiệm cao như vậy và các cơ quan chức năng có biết thực trạng người lao đông bị trừ gần hết lương cho việc xét nghiệm hay không. Người lao động đã cố gắng quay trở lại làm việc để giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, những mong có đồng tiền để gia đình có cái sinh nhai, nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này có lẽ các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì không ai có khả năng tái sản xuất mở rộng như lý thuyết và như thế là lợi bất cập hại!

Cuối cùng thì “cháy nhà ra mặt chuột”. Mọi việc có vẻ đã được lý giải khi ngày 19-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) bắt tạm giam Phan Quốc Việt - người sáng lập, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Đến nay Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Điều đáng nói, Phan Quốc Việt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các thuộc cấp Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Chưa nói đến việc Việt Á cung cấp hàng ý tế thiết yếu cho 62 tỉnh thành thì thu lợi kếch xù như thế nào. Chỉ riêng Hải Dương thôi, người nghe đã chóng mặt rồi: Từ tháng 2 đến tháng 11-2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế tổng số tiền gần 152 tỉ. Phan Quốc Việt chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, gần 30 tỉ đồng.

Thế đấy, mới tính sơ sơ và riêng của một tỉnh mà chúng đã ăn “ngập mồm ngập mõm như thế” thì với 62 tỉnh thành chúng vớ bẫm đến đâu. Câu chuyện này rõ ràng có liên quan mật thiết đến chuyện những người công nhân khốn cùng bị thu gần hết lương tháng sau khi trừ xét nghiệm. Theo khảo sát thì giá 470.000 đồng/test đã là bị thổi giá và Bắc Ninh cũng mua với giá này, Nam Định và Đà Nẵng còn mua với giá 509.250 đồng/test…!

Viết đến đây chợt nhớ lại việc lùa dân đi ngoáy mũi liên tục thời gian vừa qua đúng như dư luận nói là có vấn đề. Cộng đồng mạng có người nói thẳng, cũng có người “cạnh khoé”, bêu riếu ngay từ đầu. Người ta cũng nói thẳng ra là vụ này có kê giá, ăn chia nên người ta mới tích cực đi lùa dân xét nghiệm liên tục như vậy. Và có như vậy thì mới tiêu thụ hết kit-test xét nghiệm đã nhập và tiền chảy vào túi ai mà ai cũng biết.

Người ta cũng rất thắc mắc là trong tình hình dịch kéo dài và nguy hại như thế thì việc xét nghiệm là cần thiết và thường xuyên. Vậy vì sao kit xét nghiệm không được coi là hàng thiết yếu và buông lỏng không có cơ quan nào quản lý giá để loạn giá, mỗi nơi một phách như thời gian vừa qua?

Chúng ta hãy chờ xem người ta xử lý vụ việc này ra sao. Kẻ ăn trên xương máu đồng loại trong mùa dịch bệnh thì đúng là táng tận lương tâm và đáng bị xử lý mức cao nhất. Nhưng tất cả những cá nhân, tổ chức liên quan đã bàng quan, không quan tâm đến góp ý của công luận một thời gia dài, để mặc cho nó ngang nhiên diễn ra, nâng giá để hút máu nhân dân cả nước trong dịch bệnh nhự vậy cần phải bị đuổi cổ hết đi cho “nước nó trong”./.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích