Chàng trai quyết bỏ việc nhà nước về quê trồng cam hữu cơ

Đang công tác tại Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, nhưng anh Đoàn Ngọc Bảo (Sn 1990, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định nghỉ việc và trở về quê hương trồng cam, phát triển kinh tế gia đình. Mỗi năm, anh thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng cam.
bao-phuong-1707874077.jpg
Chàng trai quyết bỏ việc nhà nước về quê trồng cam theo hướng hữu cơ.

Vượt qua định kiến

Đến thăm đồi cam của anh Bảo tại vùng đồi núi xã Quang Thọ với những gốc cam sai trĩu quả, chín vàng ươm ai cũng cảm thấy thích thú. Nhưng khi được nghe câu chuyện trồng cam của anh Bảo mới thấy được lòng quyết tâm, sự nỗ lực của anh.

Tốt nghiệp ĐH Tây Nguyên, Đoàn Ngọc Bảo được nhận vào làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông. Dù được làm việc ở một nơi được xem là niềm mơ ước của nhiều người nhưng anh Bảo lại luôn nung nấu khát khao về quê khởi nghiệp trên những quả đồi của quê hương. Vì vậy, sau hơn 3 năm làm việc tại Đắk Nông, năm 2015, anh quyết định về quê nhà Vũ Quang khởi nghiệp với cây cam. Quyết định đó khiến bố mẹ buồn, còn hàng xóm, bạn bè không ít người dị nghị, gièm pha.

z4969063464348-2ca6f9664e03c94591c253bfb27a1e14-1707874159.jpg
Vườn cam theo hướng hữu cơ của anh Đoàn Ngọc Bảo.

Anh Bảo chia sẻ: Ngay khi vào nhận việc một thời gian, tôi đã nung nấu về việc trồng cam. Với những khoảng đồi ở quê có rất nhiều tiềm năng để trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế. Cái khó đầu tiên là tôi phải vượt qua áp lực dư luận. Quê tôi còn nhiều nghèo khó, được ăn học rồi làm việc trong cơ quan nhà nước như tôi được xem là người thành đạt, niềm mơ ước của bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình. Vì vậy, khi tôi quyết định bỏ ngang công việc về quê khởi nghiệp, nhiều người nghĩ tôi có vấn đề, hoang tưởng. Sau gần 2 năm suy nghĩ, tôi đã quyết định nghỉ việc để về quê. Lúc đó, tôi tự nhủ mình đã quyết tâm rồi, đã lựa chọn rồi thì chỉ còn một con đường là nỗ lực hết mình.Với lợi thế đất đồi phù hợp cho việc trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây cam và những kiến thức về kỹ thuật nông lâm được học, anh bắt tay vào phát triển vườn cam gia đình.

Nhiều lần về thăm quê, chứng kiến những người dân ở quê vất vả quanh năm để trồng được những quả cam ngon, nhưng đầu ra phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Nên những quả cam khi thu hoạch tại vườn bán với giá rất thấp nhưng tới tay người tiêu dùng thì gấp 7, 8 lần, chưa kể cam nhái thương hiệu xuất hiện tràn lan.

bao-phuong-4-1707874206.jpg
Thương hiệu cam Bảo Phương đã được khách hàng khắp nơi trong nước biết đến, tin dùng.

Anh Bảo tâm sự: Lúc đầu tôi trồng giống cam Xã Đoài, ngọt đậm, thơm, ăn tan biến trong miệng chứ không mắc xơ. Tôi nhận thấy dòng cam này rất giá trị nên quyết định nhân giống bằng phương pháp vô tính, ghép mắt để tạo ra giống cam mới đảm bảo độ ngon đặc biệt. Giống cam này có tính ưu việt là nhanh cho quả, chỉ sau 3 năm trồng chăm sóc là có quả, năng suất cao. Những năm đầu mỗi gốc bình quân đạt 30 - 50kg cam; 6 - 7 năm sau đạt 100 - 150kg/gốc cam. Sau đó, tôi trồng thêm giống cam chanh nổi tiếng, cam bản địa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Thành công bước đầu, anh và vợ tích cực khai hoang, chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu thành vườn cam. Lúc đó, gia đình anh dựng chiếc lán nhỏ trên đồi, 2 vợ chồng cơm đùm, cơm nắm lên lán ở để khai hoang. Vất vả, cực nhọc nhưng may mắn anh có vợ đồng cam cộng khổ nên mọi khó khăn cũng trôi qua. Hiện nay, với gần 6 ha đất rừng đồi của gia đình, anh Bảo trồng 2.000 gốc cam chanh các loại.

Trồng cam sinh thái hữu cơ

z4969063462211-c26297ba7d8cc0223330335bce0d12e7-1707874293.jpg
Anh thả kiến vàng trong vườn cam để diệt sâu bọ, bảo vệ cây và quả cam.

Từ khi bắt đầu trồng cam và kinh tế trang trại, anh Bảo kiên trì trồng cam theo phương pháp sinh thái hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm sạch. Anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học. Chỉ sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ, phân chuồng hoai mục ủ men vi sinh. Anh tự chế ra dung dịch được làm từ ớt cay, gừng, rượu, tỏi, quả bồ hòn ngâm trong vòng 1 tháng thay cho thuốc hóa học nhằm phun phòng ngừa sâu bệnh cho cam. Anh còn dùng bao bọc quả, sử dụng hệ thống đèn led, thả nuôi kiến vàng… để chống côn trùng gây hại.

Anh Bảo chia sẻ: Bản thân là kỹ sư nông nghiệp, lại được tham gia các lớp tập huấn trồng cam và học hỏi từ thực tiễn nên tôi quyết định phải làm điều gì đó khác biệt cho cây cam của mình. Đó chính là trồng cam theo hướng sinh thái hữu cơ. Chỉ có như vậy mới có thể đứng vững được với nhịp sống thị trường hiện nay trước những yêu cầu về sản phẩm sạch. Chăm sóc cây nhỏ như chăm sóc trẻ con, phải kiên trì, chăm chút từng bước bằng cả trái tim để có được từng cây cam khỏe mạnh, cho hiệu quả năng suất cao.

bao-phuong-2-1707874127.jpg
Vườn cam sai trĩu quả của gia đình anh Bảo.

Bên cạnh trồng cây theo phương pháp sinh thái hữu cơ, anh Bảo cũng tích cực xây dựng thương hiệu cam của mình. Rồi anh tiến hành xây dựng thương hiệu Cam Bảo Phương, với quy trình hữu cơ sinh thái thuận tự nhiên có chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN11041-2:2017, để nâng tầm những quả cam quê hương. Sau 8 năm miệt mài, những tâm huyết của anh đã được tỉnh Hà Tĩnh chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đồng thời tỉnh Hà Tĩnh vinh danh điển hình tiên tiến và được Trung ương Đoàn vinh danh thanh niên tiêu biểu.

Sản phẩm cam Bảo Phương đã được khách hàng khắp cả nước biết đến và ưa chuộng. Với giá bán từ 40 - 60 ngàn đồng/kg tại vườn, mỗi năm, doanh thu từ vườn cam của gia đình anh Bảo đạt gần 700 triệu đồng.

bao-phuong-1-1707874144.jpg
Vào dịp cuối năm, khách hàng gọi đặt hàng liên tục, sát tết Nguyên đán, vườn cam không đủ hàng để cung cấp cho khách.

Năm 2023 vừa qua, Tổ hợp tác SX &KD Cam Bảo Phương đã thu hoạch được hơn 100 tấn cam, với đầu ra ổn định và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều bà con Hà Tĩnh.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang chia sẻ: Anh Đoàn Ngọc Bảo là một trong những thanh niên ở địa phương năng động, quyết chí làm giàu trên chính quê hương và mảnh đất của gia đình mình. Từ thành công của của mô hình trồng cam anh trở thành tấm gương, địa chỉ học hỏi của thanh niên, người dân trong và ngoài địa phương đến tham quan, học hỏi về hướng phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. Anh vừa phát triển kinh tế cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương và góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu của sản phẩm quê hương./.

Nguyễn Duyên