Đây là cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao 10-30cm. Cây có lông tơ mềm màu tro trắng. Thân rễ, khi phát triển phình lên thành củ. Lá sinh địa mọc xung quanh gốc, rất ít khi có lá mọc ở thân. Phiến lá hình trứng, chiều dài 3-15cm và chiều rộng 1,5 - 6 cm. Phần đầu lá hơi tròn và thu hẹp lại ở cuối. Mép lá có răng cưa không đều, phiến lá nổi gân ở mặt dưới. Hoa sinh địa màu đỏ mọc từng chùm ở đầu cành. Cây thường ra hoa vào mùa hạ, mỗi hoa có 3 nhị với 2 nhị lớn.
Bộ phận dùng
Rễ cây Sinh địa được sử dụng làm thuốc: cả rễ tươi và khô.
– Dùng tươi (Tiên địa hoàng);
– Dùng khô (Sinh địa hoàng).
Dược liệu này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã được du thực về Việt Nam từ lâu. Cây Sinh địa thường mọc ở những nơi ẩm ướt ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Thu hái và sơ chế
Người dân thu hái rễ Sinh địa có tuổi thọ ít nhất 5-6 tháng. Sau đó mang đi rửa sạch, để ráo nước. Sấy cho tới khi mặt cắt của rễ sinh địa xuất hiện màu đen và dính là được. Bước cuối cùng là đem phơi hoặc sấy nhẹ cho khô hẳn.
Từ Sinh địa, có thể cho 4 vị dược liệu quý như sau:
Tiên địa hoàng: chính là rễ sinh địa tươi. Vỏ ngoài có màu vàng, đỏ cam giống với củ cà rốt. Tác dụng cây sinh địa tươi là điều trị sốt cao, mê sảng, táo trệ, xuất huyết… Chỉ cần dùng bài thuốc tiên địa hoàng thái mỏng, nấu cháo ăn, hoặc giã nát lấy nước cốt tươi, uống. Hoặc có thể sắc lấy nước uống, ngày 50 - 100ml, uống 2 lần trước bữa ăn.
Can địa hoàng: là rễ cây sinh địa sấy nhẹ cho khô. Có công dụng chữa nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết, kinh nguyệt không đều, động thai… Ngày dùng 12 - 24g dạng thuốc sắc, sau đó chia 2 - 3 lần, trước bữa ăn.
Sinh địa: là rễ cây sinh địa sấy khô, vỏ màu xám, ruột màu vàng nâu. Cây sinh địa cỏ tác dụng gì? Chữa sốt cao, phát cuồng mê sảng, lưỡi đỏ, miệng khát. Với bài thuốc thông dụng: sinh địa, nhân sâm, hoàng kỳ, chích cam thảo, thục địa, thiên môn, mạch môn, tỳ bà diệp, trạch tả, chỉ xác, thạch hộc, đồng lượng, bào chế dạng bột, ngày uống 2 lần. Mỗi lần sử dụng từ 9 - 12g với nước sôi để nguội, trước hoặc sau bữa ăn 1 - 2 giờ…
Thục địa: là Sinh địa chưng hoặc nấu với một số phụ liệu: gừng tươi, rượu, sa nhân. Có công dụng chữa thiếu máu, da xanh xao, người gầy yếu. Bài thuốc nổi tiếng: thục địa 16g, sơn thù du 8g, trạch tả, phục linh, hoài sơn, mẫu đơn bì, mỗi vị 6g sắc uống để trị các chứng bệnh đau đầu, ù tai, lưng, di mộng tinh, gối đau mỏi, ra nhiều mồ hôi…
Thành phần hóa học của Sinh địa
Trong rễ sinh địa có thành phần chất manit, rehmanin gồm: glucozit, glucosa và một ít hoạt chất caroten. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn phát hiện thêm thành phần chất ancaloit có tác dụng giúp cầm máu, điều trị các chứng dương hư.
Chữa bệnh với các bài thuốc từ Sinh địa:
Bài thuốc chữa đau đầu, chóng mặt, tai ù, đau lưng mỏi gối, mộng tinh, di tinh, kinh nguyệt không đều
320g Sinh địa, 160g Sơn thù du, 160g Hoài sơn, 120g Mẫu đơn bì, 120g Trạch tả, 120g Bạch phục linh. Sinh địa đem giã cho mềm nhũn còn các vị thuốc còn lại sấy khô rồi tán nhỏ. Trộn tất cả các vị thuốc với nhau, thêm mật ong và vo thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống khoảng 20 - 30 viên tương đương 8 - 12g làm 2 lần trong ngày, uống trước ăn cơm 15 phút.
Bài thuốc chữa ho khan, bệnh lao
2400g Sinh địa, 240g Nhân sâm, 1200g Mật ong trắng, 480g Bạch phục linh. Sinh địa giã nát lấy nước cốt, thêm mật ong vào nấu sôi lên. Sau đó cho thêm bạch phục linh, nhân sâm tán nhỏ mịn. Cho tất cả nguyên liệu vào lọ đậy kín, đun cách thủy 3 ngày 3 đêm. Cuối cùng lây ra để nguội. Mỗi lần chỉ dùng từ 1 – 2 thìa với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc chữa gầy yếu, hỗ trợ trị tiểu đường
800g Sinh địa cùng với 600g Hoàng liên. Đem giã sinh địa và vắt lấy nước rồi tẩm vào hoàng liên, đem hoàng liên đi phơi khô. Thực hiện tẩm nước sinh địa vào Hoàng liên liên tục cho tới khi hết nước cốt. Sau đó tán nhỏ hoàng liên và cho thêm mật rồi hoàn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần sử dụng sẽ lấy uống 20 viên với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh
16g Sinh địa, 20g Hà thủ ô đỏ, 16g Ích mẫu, 12g Sâm nam. Cho tất cả vị thuốc trên cho vào ấm sắc đến khi còn phân nửa lượng nước. Uống ngay khi thuốc còn ấm với liều 1 thang/ngày.
Trị viêm họng, sốt nóng, miệng khô khát
12g Sinh địa, 10g Huyền sâm, 10g Mạch môn, 8g Cam thảo. Các vị thuốc trên đem thái nhỏ rồi phơi khô. Sau đó cho vào ấm sắc chung với 200ml nước trên lửa nhỏ, đến khi còn 50ml thì uống thuốc khi còn ấm nóng, duy trì liên tục khoảng 3 - 5 ngày.
Bài thuốc bổ huyết, điều kinh
16g Sinh địa, 10g Bạch thược, 10g Đương quy, 5g Xuyên khung. Các vị thuốc cho vào ấm để sắc lấy nước uống. Ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc trị bệnh đái tháo đường
40g Địa hoàng, 40g Sơn dược, 20g Hoàng kỳ, 20g Sơn thù và 12g Tụy heo. Các vị thuốc mang đi sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng Sinh địa để chữa bệnh
Tuyệt đối không dùng chung sinh địa với lai phục tử bởi có thể làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ. Không dùng sinh địa cho những người có tỳ hư, đi ngoài phân lỏng, bụng đầy chứng, kém ăn. Trước khi sử dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây sinh địa, người bệnh nên hỏi kỹ ý kiến thày thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn./.