Cao Bằng: Họp Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước và đôn đốc thu hồi nợ đọng

Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống thất thu ngân sách nhà nước và đôn đốc thu hồi nợ đọng tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022, giải pháp và kế hoạch thực hiện thu ngân sách năm 2023. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ; các thành viên BCĐ; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

c-1676777863.jpg
Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị năm 2022, thu ngân sách toàn tỉnh đạt 3.981,2 tỷ đồng, đạt 236,4% dự toán của Bộ Tài chính, đạt 197,3% dự toán HĐND tỉnh, bằng 203,4% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 1.326,25 tỷ đồng, đạt 90,6% dự toán Bộ Tài chính, đạt 74,2% dự toán HĐND tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.654,9 tỷ đồng, đạt 1.206,8% dự toán Bộ Tài chính, đạt 1.154,3% dự toán HĐND tỉnh.

Hầu hết các lĩnh vực, sắc thuế đã hoàn thành thu khá toàn diện so với dự toán được giao và tăng so với cùng kỳ: Thu tiền sử dụng đất đạt 148,1 tỷ đồng; thu xổ số kiến thiết đạt 13,25 tỷ đồng; Thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích trong khu kinh tế cửa khẩu (phí cửa khẩu) đạt 6,5 tỷ đồng; thu khác ngân sách, quỹ đất công ích, hoa lợi và công sản khác (thu khác ngân sách) đạt 120,8 tỷ đồng; thu thuế, phí và lệ phí còn lại đạt 1.037,6 tỷ đồng. Về thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, một số mặt hàng có số thu cao là ô tô, máy móc thiết bị. Có 8/10 đơn vị thu hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao (Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, Hạ Lang, Hà Quảng, Trùng Khánh, Nguyên Bình), trong đó có 2/8 đơn vị có tăng thu so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết năm 2022, có 1.703 doanh nghiệp, hợp tác xã và 8.325 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động. Tỷ lệ số lượng hồ sơ khai thuế đã nộp về cơ quan Thuế/tổng số hồ sơ khai thuế phải nộp đạt 98,88%, tỷ lệ hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn đạt 98,98%. Đã tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính thuế đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế 177 lượt, với số tiền phạt 0,62 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, số nợ thu được 352,1 tỷ đồng, trong đó thu nợ năm 2021 chuyển sang 72,7 tỷ đồng; thu nợ phát sinh năm 2022 là 279,4 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2022, số nợ thuế ước 219,98 tỷ đồng, bằng 80,7% so với năm 2021, trong đó nhóm nợ khó thu 51 tỷ đồng; nhóm nợ có khả năng thu 168 tỷ đồng. Theo ngành, nghề kinh doanh, nợ lĩnh vực khai thác khoáng sản trên 100,5 tỷ đồng; nợ lĩnh vực xây dựng cơ bản 61,3 tỷ đồng; nợ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện 34, 65 tỷ đồng; lĩnh vực khác 23,5 tỷ đồng.

Thu ngân sách toàn tỉnh năm 2022 hoàn thành vượt mức so với dự toán Bộ Tài chính và dự toán HĐND tỉnh. Tuy nhiên một số khoản thu chưa đạt được như kế hoạch đề ra, nhiều nguồn thu giảm sút so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân nợ đọng thuế lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, một số doanh nghiệp ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh; một số người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ tiền thuế; người nợ thuế đã ngừng hoạt động, tự giải thể, không làm thủ tục thông báo đến cơ quan thuế…; các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có các mỏ không còn hoạt động, hết hạn giấy phép khai thác, một số đơn vị được cấp giấy phép cấp quyền khai thác nhưng thực tế chưa hoạt động nên chưa có nguồn thu, nợ lớn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kéo dài qua các năm...

Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu ngân sách 2.838 tỷ đồng, trong đó giao thu nội địa 1.638 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.200 tỷ đồng. Đến nay, thu ngân sách đạt 245,9 tỷ đồng, bằng 10% dự toán Trung ương giao, 9% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 12% so với cùng kỳ.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích về kết quả đạt được và chỉ rõ những mặt còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022. Đề xuất, kiến nghị các giải pháp để đạt mục tiêu đề ra như: Quản lý chặt chẽ nguồn thu, khai thác tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước; đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo dự toán thu tiền sử dụng đất; rà soát các địa chỉ đất, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án, tiến độ đấu giá các dự án thu tiền sử dụng đất, bán tài sản nhà nước, hoàn thiện hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính làm cơ sở để cơ quan thuế thông báo, đôn đốc thu kịp thời vào NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhà nước...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, khó đoán định; nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, vì vậy, để thu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cần chủ động, tích cực, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị kiện toàn BCĐ cấp tỉnh, huyện và tổ tư vấn thuế cấp xã, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thành viên. Các sở, ban, ngành bám sát chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển. Chủ động rà soát, tham mưu cơ chế, chính sách liên quan đến thuế trên cơ sở tình hình thực tế địa phương. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các sở, ngành phối hợp các cơ quan Thuế triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn tỉnh trong năm 2023; lấy địa bàn Thành phố làm điểm. Rà soát các nguồn thu, đặc biệt là các địa chỉ bán đấu giá từ đất, tài sản trên đất; hoàn thiện và trình UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch thu từ đất, tài sản gắn liền với đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh ngay trong tháng 02/2023, bảo đảm thực hiện gắn với lộ trình cụ thể, khả thi, đúng quy định. Cần có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác đôn đốc, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế, có lộ trình thu cụ thể đối với từng địa chỉ. Áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo Luật Quản lý Thuế, luật phí và lệ phí. Tập trung thu hồi nợ đọng thuế trên các lĩnh vực khoáng sản, dự án thủy điện, xây dựng cơ bản.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, rà soát lại cơ chế, chính sách; tổ chức gặp mặt, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp, nắm bắt thông tin để có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Tiếp tục triển khai Kế hoạch mở, nâng cấp cửa khẩu; tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế và các ngành, chống thất thu ngân sách; tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, có rủi ro cao về thuế.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện công tác thu thuế. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, giao Cục Thuế - cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, BCĐ về các giải pháp quản lý hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước, chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi thuế nợ đọng trên địa bàn tỉnh./.

Dương Liễu