Cần 4.820 tỉ đồng vốn ưu đãi để hỗ trợ xóa bỏ nông nghiệp nhà kính đô thị ở Lâm Đồng

Từng được coi là giải pháp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng tới nay phương pháp sản xuất nông nghiệp trong nhà kính đã bộc lộ nhiều bất cập. Với những hệ lụy gây nhiều tác động xấu về môi trường và mỹ quan đô thị, UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai chính sách hỗ trợ nông dân canh tác không nhà kính, tiến tới xóa bỏ nông nghiệp nhà kính đô thị.
nong-nghiep-nha-kinh-02-1710900317.jpg
Đến nay, Đà Lạt có 2.907 hecta nhà kính tại 10/12 phường của thành phố, chiếm hơn 60% đất trồng rau, hoa của địa phương. (Ảnh minh họa)

Hướng tới sản xuất nông nghiệp không nhà kính

Từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2010, toàn tỉnh đã phát triển hơn 6.400ha diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó nhà kính là 1.170ha; năm 2015 diện tích này tiếp tục tăng lên hơn 43.000ha và nhà kính đạt gần 3.150ha.

Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là 60.200ha và diện tích nhà kính đạt gần 4.350ha, trong đó phần lớn diện tích nhà kính tại TP Đà Lạt. Do hiệu quả kinh tế mang lại quá lớn nên nhà kính phát triển tự phát rất nhanh tạo nên ảnh hưởng tác động đến môi trường, hệ sinh thái…

Trước thực tế này, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung triển khai các giải pháp để giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính so với hiện tại, và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính trong nội ô Đà Lạt.

nong-nghiep-nha-kinh-01-1710900364.jpg
Tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, nhà kính sẽ được đưa ra khỏi khu vực nội ô Đà Lạt. (Ảnh minh họa)

Canh tác nông nghiệp trên 10 sào đất được gần 34 năm, trước đây, gia đình ông Đỗ Văn Bảy (phường 7, TP Đà Lạt) chỉ gieo trồng các loại rau củ hoa quả ngắn ngày theo kiểu truyền thống lộ thiên. Năm 2015, ông Bảy đã bỏ ra gần 2 sào làm nhà lồng trồng hoa và thấy năng suất, thu nhập tăng lên gấp nhiều lần… Nhờ đó, kinh tế của vợ chồng ông Bảy ổn định hơn rất nhiều.

“So sánh canh tác ngoài trời với trong nhà kính thì trong nhà kính hiệu quả đạt rất cao. Chủ trương loại bỏ nhà kính thì Nhà nước phải làm sao có chính sách hỗ trợ nông dân chứ nếu không canh tác ngoài trời là khó lắm”, ông Bảy cho biết.

Thành phố Đà Lạt hiện có 2.907ha nhà kính sản xuất nông nghiệp trong nội ô. Phần lớn diện tích nhà kính này xây dựng tự phát, không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, khoảng lùi; không có hệ thống thu gom nước, mật độ dày đặc, đan xen trong khu dân cư… Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước mưa không thoát kịp, gây các vụ ngập úng cục bộ tại khu vực trung tâm thành phố.

Cần nguồn vốn ưu đãi hơn 4.800 tỷ đồng để loại bỏ nhà kính

Được biết, từ năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cùng Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng xem xét đề xuất giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh xây dựng gói tín dụng riêng để thực hiện việc này.

Tuy nhiên, việc đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn Lâm Đồng để xây dựng mới, di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính rất khó thực hiện. Bởi việc xây dựng các chính sách tín dụng phải có chủ trương của Hội sở các Ngân hàng thương mại triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Agribank Việt Nam phối hợp xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, để có cơ sở xây dựng gói tín dụng ưu đãi áp dụng riêng ở Lâm Đồng này cần phải có tiêu chí đánh giá nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí kỹ thuật. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức xây dựng nhà kính.

nong-nghiep-nha-kinh-03-1710900296.jpg
Các ban ngành tỉnh Lâm Đồng tính toán, cần hơn 4.800 tỷ đồng để xóa bỏ, di dời toàn bộ diện tích nhà kính ra khỏi nội ô Đà Lạt. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, để thực hiện mục tiêu loại bỏ nhà kính, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tính toán và đề xuất cho người nông dân vay tín dụng với 3 phương án: Cho vay để di dời là 1,3 tỉ đồng/ha, vay để cải tạo nâng cấp nhà kính đạt chuẩn là 1 tỉ đồng/ha, chuyển đổi từ nhà kính ra ngoài trời là 300 triệu/ha. Tổng vốn cho vay ưu đãi cho toàn bộ dự án là 4.820 tỉ đồng, nguồn vốn vay là của các ngân hàng và địa phương sẽ hỗ trợ một phần lãi suất.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, để hạn chế, tiến tới xóa bỏ nhà kính nông nghiệp ở nội ô Đà Lạt, bên cạnh xây dựng nhiều mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ngoài trời đạt hiệu quả cao để nhân rộng, tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng nghiên cứu, vận dụng các gói chính sách tín dụng ưu đãi với tổng số tiền hơn 4.800 tỷ đồng, để nông dân sản xuất nông nghiệp ngoài trời.

“Tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ về chủ trương của tỉnh Lâm Đồng về việc giảm và tiến tới không còn nhà kính ở nội ô Đà Lạt. Khi di dời như vậy thì người dân sẽ khó khăn về nguồn vốn thì cũng sẽ được vay ngân hàng. Chúng tôi cũng đang đề xuất tỉnh xem xét có nguồn kinh phí để hỗ trợ lãi suất cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết thêm./.

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm được 30% lượng nước tưới, phân bón và giảm 30 - 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều doanh nghiệp, nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng nhờ thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính để có sự tương hỗ các công nghệ khác, tạo ra doanh thu cao. Tùy loại rau, hoa khi ứng dụng đồng bộ nhà kính và các công nghệ cao, năng suất sẽ cao hơn 2-3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với cây trồng không trồng trong nhà kính.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế mà nhà kính mang lại, việc phát triển “nóng”, thiếu quy hoạch kịp thời diện tích nhà kính ở Đà Lạt trong thời gian qua đã để lại những hệ lụy không nhỏ về môi trường cảnh quan. Nhà kính phát triển ồ ạt ở khắp nơi đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị; tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ; hạn chế tính đa dạng sinh học; làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm; tạo dòng chảy cục bộ, tạo ra nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố…

Bình Nguyên