* Trọng tâm chú ý của thị trường
Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất là vào cuối năm 2018, như một phần của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ vào thời kỳ giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ dần “hạ nhiệt”.
Nhưng chỉ bảy tháng sau, Fed lại hạ lãi suất do đà tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng trở nên mong manh. Rồi tám tháng sau lần cắt giảm đầu tiên hồi tháng 7/2019 đó, Fed đã buộc phải đưa lãi suất đi vay chuẩn của mình về quanh ngưỡng 0% khi nước Mỹ đối mặt với COVID-19, đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cú sốc bất ngờ.
Vì vậy, khi các quan chức Fed chuẩn bị trở lại chính sách tiền tệ của giai đoạn bình thường trước đây, Phố Wall đang theo dõi chặt chẽ động thái của ngân hàng trung ương này. Ngày giao dịch đầu tiên của năm mới cho thấy thị trường sẵn sàng tiếp tục đẩy các chỉ số chính lên những mức cao hơn, như một phần những vòng xoáy và biến động mà Fed đã đối mặt kể từ khi họ phát tín hiệu xoay trục chính sách cách đây một tháng.
Fed lựa chọn tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát đang ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm. Trước đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và hầu hết các nhà hoạch định chính sách khác đã dành phần lớn thời gian của năm 2021 để nhấn mạnh rằng đà tăng giá sẽ sớm “hạ nhiệt”. Nhưng họ đã phải thừa nhận vào cuối năm rằng xu hướng tăng này không còn mang tính “nhất thời” như kỳ vọng trước đó.
Các quan chức Fed tại cuộc họp tháng 12/2021 đã dự kiến sẽ có ba lần tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2022. Còn theo công cụ theo dõi biến động chính sách FedWatch của nền tảng giao dịch CME, thị trường hợp đồng tương lai liên quan tới lãi suất Fed (Fed Funds future) đang định giá theo hướng 60% Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 và 61% cho khả năng Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ bổ sung thêm hai lần tăng nữa trước cuối năm 2022.
Các nhà đầu tư sẽ xem xét kỹ hơn suy nghĩ của Fed vào cuối tuần này, khi biên bản cuộc họp tháng 12/2021 được công bố vào ngày 5/1. Mối quan tâm đặc biệt của thị trường không chỉ về tốc độ tăng lãi suất và quyết định chấm dứt chương trình mua tài sản, mà còn cả thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Ngay cả khi Fed dự định dừng chương trình mua tài sản vào mùa Xuân, họ sẽ tiếp tục tái đầu tư số tiền thu được từ các khoản tài chính do ngân hàng trung ương này nắm giữ. Điều đó sẽ duy trì bảng cân đối kế toán của Fed quanh mức 8.800 tỷ USD như hiện tại. Nhà kinh tế Andrew Hollenhorst của ngân hàng Citigroup dự kiến Fed sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào quý đầu tiên của năm 2023.
* Phản ứng khó dự báo
Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Allianz, nhận định việc Fed có thể sắp xếp một đợt điều chỉnh chính sách có trật tự hay không sẽ xác định cách thị trường phản ứng với quyết định nâng lãi suất.
Trong kịch bản Fed làm đúng, nhu cầu giảm bớt một chút và phía cung có phản ứng tích cực, đó sẽ là kết quả tốt nhất cho thị trường. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là lạm phát vẫn tồn tại và thậm chí còn tăng cao hơn dự đoán của Fed. Theo chuyên gia của Allianz, điều đó có thể dẫn đến phản ứng quyết liệt hơn từ giới đầu tư.
Ông Jim Paulsen, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại công ty nghiên cứu thị trường và dịch vụ tài chính Leuthold Group, nhận định thị trường sẽ không phản ứng quá mạnh đối với đợt tăng lãi suất đầu tiên mà nhiều khả năng được thông qua vào cuộc họp ngày 15-16/3. Vì nhà đầu tư đã chuẩn bị từ trước và Fed khi đó sẽ chỉ đưa lãi suất chuẩn lên phạm vi 0,25 - 0,5%.
Song những nhà giao dịch kỳ cựu trên thị trường đang theo dõi biến động lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, một kênh được kỳ vọng cho thấy manh mối rõ ràng hơn về ý định của Fed. Lợi suất phần lớn vẫn ở mức ổn định bất chấp kỳ vọng về việc tăng lãi suất. Nhưng chuyên gia Paulsen dự kiến thị trường rồi sẽ phản ứng đủ mạnh để đưa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm lên khoảng 2% trong năm nay.
Cùng với đó, chuyên gia El-Erian của Allianz chia sẻ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ hoạt động khá tốt vào năm 2022, ngay cả khi thị trường gặp phải một số khó khăn. Tương tự, ông Paulsen cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ mạnh để chịu được việc tăng lãi suất, điều sẽ thúc đẩy lãi suất đi vay cho một loạt các sản phẩm tiêu dùng. Ông nhận định thị trường sẽ có sự điều chỉnh trong nửa cuối năm khi lãi suất tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, bà Lisa Shalett, nhà đầu tư trưởng của tập đoàn tài chính Morgan Stanley Wealth Management, cho rằng sự hỗn loạn của thị trường sẽ gia tăng ngay cả khi nền kinh tế duy trì đà phát triển. Trong một báo cáo dành cho khách hàng, bà Shalett cho biết thị trường đang đi đến hồi kết của giai đoạn sụt giảm lãi suất thực kéo dài, một yếu tố đã cho phép cổ phiếu thoát khỏi các yếu tố cơ bản về kinh tế trong khi tỷ số giá/lợi nhuận của chúng tăng lên.
Giờ đây, thời kỳ lãi suất cho vay giảm bắt đầu từ năm 2019 đang dần kết thúc, cho phép lãi suất thực rời khỏi mức thấp lịch sử. Sự thay đổi này có thể tạo ra nhiều biến động và dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng trong các cổ phiếu dẫn đầu trên thị trường./.