Ngày 30/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh một số thành tựu nổi bật trong thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc năm 2024, như công tác giảm nghèo, giáo dục và đào tạo; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở... Đồng chí khẳng định, đây là một bước tiến rất dài trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc thời gian qua.
Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác dân tộc trong năm 2025 là rất lớn, là năm đóng vai trò là nền tảng thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc, nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Dân tộc bám sát các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các Chương trình Mục tiêu quốc gia, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo; tổng kết giai đoạn 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ủy ban Dân tộc sẽ có biến động khi sáp nhập thêm một phần nhiệm vụ liên quan đến công tác tôn giáo được chuyển từ Bộ Nội vụ, công tác giảm nghèo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi vậy cần phải tổ chức tinh gọn bộ máy, sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ. Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu, đề xuất thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030 mang lại hiệu quả thực chất.
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cần tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân các Chương trình Mục tiêu quốc gia; sớm bố trí vốn trong năm 2025 cho các địa phương Ủy ban Dân tộc cần rà soát, tổng kết, đánh giá để xây dựng được danh mục công trình, dự án ưu tiên thực hiện để tập trung nguồn lực, phát huy hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt công tác giải ngân vốn các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là nguồn vốn của Chương trình 1719. Trong đó các bộ, ngành có liên quan cần sớm tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí vốn cho các địa phương thực hiện các chương trình, chính sách thời gian tới. Trong đầu tư các dự án cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, manh mún, không phát huy được nguồn lực đầu tư của nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thống nhất với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện trong năm 2025 theo đề nghị của Ủy ban Dân tộc. Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, vận động bà con xóa bỏ tư tưởng, trông chờ, ỷ lại, tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt lạc hậu, tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời chủ động nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm thiết thực trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc...
Ủy ban Dân tộc tập trung xây dựng và hoàn thành các Đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025 theo đúng thời hạn được giao, bảo đảm chất lượng.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả công tác dân tộc và đạt được kết quả quan trọng
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà cho biết, ngay từ đầu năm 2024, tập thể Lãnh đạo Uỷ ban đã đổi mới một bước công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát đồng thời tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả công tác dân tộc và đạt được kết quả quan trọng.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách tại vùng DTTS&MN và các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng DTTS&MN không ngừng được cải thiện, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú...
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam bộ tăng bình quân 7,0%/năm.
Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...
Đối với việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, 17 tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN đã ban hành Nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2024-2025.
Có 31 địa phương vùng đồng bào DTTS&MN đã ban hành các văn bản điều hành về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hằng năm, điều chỉnh dự toán NSNN, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm, lập thủ tục chuyển nguồn kế hoạch vốn các năm trước sang năm 2024.
Có 16 tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN bố trí vốn từ ngân sách địa phương để uỷ thác vốn qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để cho vay các đối tượng chính sách thực hiện các Chương trình MTQG, bao gồm Chương trình MTQG DTTS&MN.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/11/2024 của Chương trình đạt trên 9.807 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch. Đối với vốn sự nghiệp, đến hết tháng 10/2024 là trên 3.092 tỷ đồng (đạt 15,7% tổng dự toán thực hiện trong năm).
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/7/2024 đến ngày 15/8/2024, Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các địa phương tổ chức ra quân thực hiện cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS, dự kiến Tổng cục Thống kê bàn giao kết quả cho UBDT vào cuối Quý I, đầu Quý II năm 2025.
Đây là nguồn dữ liệu rất quan trọng phục vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoạch định các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho vùng DTTS giai đoạn 2026-2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.
Ngoài ra quán triệt thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Uỷ ban Dân tộc đã hoàn thành xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đúng thời hạn đồng thời khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện công tác xây dựng Đề án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ, chức năng giảm nghèo từ Bộ LĐTB&XH về Uỷ ban Dân tộc và sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan Ủy ban Dân tộc, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia được quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao, đem lại kết quả tích cực
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN.
Đặc biệt trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG DTTS&MN, đến nay các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã cơ bản được giải quyết, tạo thuận lợi cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc rà soát, kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp được chú trọng, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên...
Các ban, bộ, ngành Trung ương đã tích cực, chủ động với trách nhiệm cao nhất cùng vào cuộc chỉ đạo điều hành thực hiện công tác dân tộc và phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng DTTS&MN đã bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành, chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, nhất là Chương trình MTQG DTTS&MN, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Trong năm 2025, Ủy ban Dân tộc triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Quyết tâm triển khai, hoàn thành sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy công tác dân tộc tại Trung ương và địa phương để đi vào hoạt động ngay từ đầu năm 2025.
Đặc biệt, tạo chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng việc thực hiện các Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG DTTS&MN và Chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát để xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các Chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và đề xuất thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc chính sách hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình MTQG DTTS&MN và rà soát nhu cầu hỗ trợ nhà ở của các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vùng DTTS&MN để kịp thời tham mưu, đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát vùng DTTS&MN./.