Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam có ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản?

Vừa qua, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vừa có văn bản thông báo về việc Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam. Động thái này có thể được xem như là một rào cản kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước và xuất khẩu.
xuat-khau-ca-ro-phi-01-1708567657.jpg
Brazil dừng nhập cá rô phi từ Việt Nam kể từ ngày 14/2 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 19/2 vừa qua, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp xung quanh thông tin Brazil ngừng nhập cá rô phi Việt Nam. Cụ thể, Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) thông báo dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam xuất khẩu vào Brazil kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV.

Cụ thể theo văn bản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã nhận được Công thư số 65 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil về việc dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của cơ quan này.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông báo và đề nghị các đơn vị, các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil tạm thời dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil theo yêu cầu nói trên, đồng thời chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường.

Về ảnh hưởng của lệnh dừng nhập khẩu cá rô phi của Brazil, các doanh nghiệp thuỷ sản cho biết Brazil không phải là thị trường tiêu thụ lớn cá rô phi của Việt Nam. Do vậy lệnh cấm này không gây ra quá nhiều tác động đến doanh nghiệp Việt Nam.

xuat-khau-ca-ro-phi-03-1708567645.jpg
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đã thu về hơn 6 triệu USD, giảm 42% so với năm 2022. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi Việt Nam là EU. Năm 2023, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang EU đạt 2 triệu USD. Đứng sau EU là thị trường Mỹ tiêu thụ gần 1 triệu USD trong năm 2023.

Trung Quốc hiện nay là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ. Cá rô phi Việt Nam khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều. Ngoài ra, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang một số thị trường khác cũng chứng kiến tăng trưởng âm như: Nhật Bản giảm 62%, Bỉ giảm 56%, Ý giảm 38%, Anh giảm 85%.

Cá rô phi là một loài nuôi phát triển nhanh với sản lượng tăng. Hiện nay, sản phẩm cá rô phi có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá rô phi Việt Nam còn khiêm tốn, tuy nhiên có xu hướng tăng trưởng tích cực trong vài năm trở lại đây.

VASEP nhận định: "Brazil là nước xuất khẩu mặt hàng này khá lớn cho khu vực châu Mỹ, thị trường Brazil cũng không phải là thị trường tiêu thụ lớn cá rô phi của Việt Nam. Vì vậy động thái này có thể được xem như là một rào cản kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước và xuất khẩu của họ. Điều này dù cho kéo dài cũng không gây ra quá nhiều tác động đến doanh nghiệp Việt Nam"./.

Hiện nay, thế giới đang tiêu thụ một lượng lớn cá rô phi, với tỷ lệ tăng trưởng từ năm 2010 đến 2021 đạt 5,4%. Dự báo sản lượng rô phi năm 2024 có thể đạt 7 triệu tấn, tăng 5,0% so với năm 2023 và tăng 13% so với 5 năm trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng không còn mạnh mẽ, chỉ tăng khoảng 2,4%, nhưng Trung Quốc vẫn là nguồn cung rô phi lớn nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ hai. Trong khi Indonesia có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, 10,4% từ 2010 đến 2021.

Bình Nguyên