Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”

“Thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu ‘vừa chạy vừa xếp hàng’. Trong khi đó, nếu khai thác tốt các trạm dừng nghỉ sẽ mang lại hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.
thang-1699281223.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn - Ảnh: Quốc hội.

Ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các tuyến cao tốc có nhu cầu vận tải lớn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11, đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu vấn đề, theo Nghị quyết 100 của Quốc hội yêu cầu là đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ hai làn xe hoặc bốn làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?

nguyn van manh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Quốc hội.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trong nhiệm kỳ này, hiện đã bố trí trên 375.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.

Theo Bộ trưởng, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Chính vì thế, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.

Bộ trưởng nêu rõ, cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu. Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.

Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, dùng nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, và La Sơn - Hoàn Liên, đang chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

“Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có hai làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói thêm.

Cao tốc làm nhanh có hư hỏng nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí

Đặt vấn đề chất vấn cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu thực tế, với việc cùng một lúc phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, thời gian hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc đã rất gấp rút và cận kề vào năm 2025 thì điều mà cử tri băn khoăn, lo lắng là chất lượng của các công trình giao thông.

Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để không xảy ra tình trạng cao tốc đi vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa, gây thất thoát lớn, lãng phí như tuyến Đà Nẵng Quảng Ngãi, Hà Nội, Lào Cai… trong thời gian vừa qua?

thanh thuy.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Quốc hội.

Về vấn đề đại biểu nêu liên quan đến chất lượng các tuyến cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định có nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Bộ trưởng khẳng định Bộ Giao thông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và theo chuẩn quốc tế. Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, trong đó có khó khăn về tài chính. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần được giải quyết nhanh nhất. Bộ chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội và Chính phủ về chất lượng các công trình giao thông.

Trong khi đó, quan tâm đến việc hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đã đi vào vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng chân, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ giải quyết vấn đề này ra sao và khi nào có trạm dừng chân để cho người dân an tâm khi lưu thông qua tuyến cao tốc trên?

Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trong khi đó, nếu khai thác tốt các trạm dừng nghỉ sẽ mang lại hiệu quả các trạm dừng nghỉ.

Để giải quyết bất cập này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa. Trước đây, chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

Hiện nay, đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong quá trình triển khai. Còn với giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường.

tran quang minh.jpg
Đại biểu Trần Quang Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - Ảnh: Quốc hội.

Cùng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, như vậy là chưa tối ưu vận tải và thời gian lưu thông và thời gian tới có điều chỉnh tốc độ trên đường cao tốc để giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ, 120-80-60-40 km/h. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu tuyến đường được đầu tư đồng bộ thì tốc độ có thể lên tới 120 km/h như Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, Cầu Giẽ - Ninh Bình; hoặc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ 100 km/h.

"Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng các tuyến 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h", ông Thắng cho hay.

Hoàng Hà