Bộ Tài chính vẫn đứng đầu bảng Chỉ số công khai ngân sách MOBI 2021

Theo kết quả khảo sát độc lập MOBI 2021, mức độ công khai ngân sách của một số Bộ, cơ quan Trung ương dù có sự cải thiện so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp.

Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách bộ và cơ quan trung ương (MOBI) được thực hiện độc lập bởi hai tổ chức thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS). MOBI 2021 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 38 Bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được Ngân sách nhà nước hỗ trợ.

mobi2021-1666076863.png
Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách bộ và cơ quan trung ương (MOBI) 2021. Ảnh Hương Lan

Trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TTBTC.

Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương dù có sự cải thiện so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại. Cụ thể, điểm số trung bình MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020. Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm quy đổi, và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 72,09 điểm, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở vị trí thứ ba với 59,09 điểm.

mobi2021-1-1666076863.png
Kết quả xếp hạng MOBI 2021 không có cải thiện nhiều so với các năm trước. Ảnh Hương Lan

Nhận xét về kết quả MOBI 2021, PGS, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, chuyên gia chính của Nhóm Nghiên cứu chia sẻ, Kết quả khảo sát MOBI2021 cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện đúng quy định công khai ngân sách theo như Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC. Cụ thể, việc công khai ngân sách Nhà nước của các bộ ngành chưa thực sự được cải thiện nhất là khi so với việc công khai ngân sách của các địa phương, chưa thể hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương dưới góc độ về minh bạch ngân sách.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định “sau gần một thập niên thực hiện Luật Ngân sách mới, các bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật NSNN 2015 và hướng dẫn của các Thông tư 61/2017 và 90/2018 của Bộ Tài chính, là một thực tế đáng lo ngại trong quản trị nhà nước. Như kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 cơ quan trung ương không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Các đơn vị có công khai thì đại đa số mức độ còn sơ sài, không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9 tiếp tục gây thất vọng. Thử so sánh với việc công khai ngân sách của địa phương, thì các cơ quan trung ương đã đi sau rất nhiều…”.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ cần thúc đẩy các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện đúng quy định công khai ngân sách cũng như nội dung khuyến nghị của báo cáo MOBI 2021.
 

Đông Nghi